Tin tức

Trung Quốc tính xây đập lớn nhất thế giới, hơn đập Tam Hiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng đập thủy điện lớn nhất thế giới tại sông thiêng ở Tây Tạng, lớn hơn đập Tam Hiệp.

Trung Quốc dự định xây đập thủy điện lớn hơn đập Tam Hiệp ở Tây Tạng. Ảnh: Xinhua


Ở chân núi của dãy Himalaya, khu vực sông Yarlung Tsangpo - nơi được coi là cái nôi của nền văn minh Tây Tạng, Trung Quốc có kế hoạch xây dựng đập thủy điện lớn nhất thế giới, thậm chí lớn hơn đập Tam Hiệp - tờ Al Jaazera đưa tin.

Tháng 11 năm ngoái, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã chia sẻ kế hoạch xây dựng một con đập lớn có công suất lên đến 60 gigawatt trên sông Yarlung Tsangpo ở Khu tự trị Tây Tạng.

 

Sông Yarlung Tsangpo ở Tây Tạng. Ảnh: Xinhua


Giờ đây, với mục tiêu đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2060, Bắc Kinh đã tăng gấp đôi nỗ lực của mình đối với các dự án thủy điện ở Tây Tạng.

Bắt nguồn từ các sông băng ở phía tây Tây Tạng, Yarlung Tsangpo đạt độ cao gần 5.000 mét so với mực nước biển, trở thành con sông cao nhất trên thế giới chảy qua dãy núi Himalaya.

Lượng mưa lớn đặc biệt thuận lợi cho việc xây dựng thủy điện, nhưng các chuyên gia đã cảnh báo con đập phá kỷ lục này có thể gây ra những hậu quả chính trị và môi trường.

Theo Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Năng lượng Trung Quốc Yan Zhiyong, siêu đập chủ yếu được xây dựng để cung cấp năng lượng cho "tương lai xanh" của Trung Quốc.

Trong khi Trung Quốc đã thừa điện, Brian Eyler, một chuyên gia về sông ngòi, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Stimson, cho biết, nguồn điện tạo ra có thể sẽ được sử dụng để bù đắp hao tổn khi nước này chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch hơn.

 

Đập Tam Hiệp. Ảnh: Xinhua


Đập thủy điện mới có thể sản xuất năng lượng thủy điện nhiều gấp ba lần đập Tam Hiệp - đập thủy điện lớn nhất thế giới hiện nay của Trung Quốc - dự án buộc phải di dời hơn 1,4 triệu người.

Các khu vực xung quanh sông Yarlung Tsangpo có mật độ dân cư thấp hơn so với sông Dương Tử. Nhưng đã có tiền lệ cho việc di dời cư dân địa phương để nhường chỗ cho các dự án xây dựng đập trên sông Yarlung Tsangpo. Báo chí địa phương đưa tin, gần 2.000 người đã được di dời để xây dựng trạm thủy điện Yagen vào năm 2015.

Theo tờ Hoàn cầu Thời báo, đập thủy điện mới trên sông Yarlung Tsangpo có khả năng sẽ được xây dựng ở huyện Medog, nơi có dân số 14.000 người.

Trải dài trên 2,5 triệu km2, cao nguyên Tây Tạng rất giàu tài nguyên thiên nhiên và giáp nhiều quốc gia khác.

Dòng chảy nước ngọt, từ các sông băng tan chảy và suối trên núi, chảy xuống đầu nguồn Himalaya và cung cấp nước cho khoảng 1,8 tỉ người ở các quốc gia bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan.

Sông Yarlung Tsangpo, sau khi chảy qua Trung Quốc còn chảy vào Bangladesh và bang Arunachal Pradesh, Assam thuộc Ấn Độ.

https://laodong.vn/the-gioi/trung-quoc-tinh-xay-dap-lon-nhat-the-gioi-hon-dap-tam-hiep-879072.ldo

Theo SONG MINH (LĐO)

Có thể bạn quan tâm