Thời sự - Bình luận

Từ chuyện cháu nội bà thứ trưởng với đa số con cháu người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Cháu nội tôi rất vui, hào hứng khi học Tiếng Việt lớp 1... Việc ghép âm, ghép vần, cháu học rất nhanh. Mẹ cháu cũng không phải kèm cặp gì cả - Khẳng định của một Thứ trưởng Bộ Giáo dục.

Một trong những
Một trong những "hạt sạn to như cái bát" trong SGK.


Còn những cái sai, cái sạn trong sách thì “vẫn hoàn toàn phù hợp với các thông tư quy định của Bộ Giáo dục... Các chủ biên cố gắng tối đa để sao cho cái sai đó ít nhất”.

Dường như, có cái gì đó cũng cần “nhận thức lại” với trấn an này.

Bởi suốt từ khi SGK mới được sử dụng, khắp nơi là cảnh “trẻ con khóc, cha mẹ vật vã”. Vì nặng quá, vì khó quá, vì học trước quên sau.

Nhiều ngày qua trên diễn đàn Quốc hội, SGK luôn là chủ đề nóng mà ngay Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng thẳng thắn xác nhận chuyện “có lỗi, có sạn”.

Và nói đến SGK, không thể không nhắc lại phát biểu của ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền: Người lớn đã sai rồi, sai trong cách tiếp cận ngược, sai trong lối tư duy ngược, chẳng có nơi đâu làm sách cho trẻ nhưng lại mang ý chí và tham vọng của những người lớn, nó quá sức đối với một sự tiếp thu của đứa trẻ.

Cháu tôi, cũng như nhà tôi, vợ tôi, tôi... một mô típ ứng xử khá phổ biến và khôn ngoan... như cách để một quan chức, một chính khách thể hiện sự đồng cảm với những bức xúc của người dân.

Nhưng tiếc thay, đó lại không và chưa hề là một cái thước để nói về tính đúng đắn, sự chính xác.

Và sự xuê xoa lại càng không phải là một phương pháp để điều chỉnh, để sửa sai, nếu như không nói nó giống như việc tung hoả mù để khoả lấp cái chưa đúng.

Cần phải mở ngoặc là trong báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới SGK, giáo dục phổ thông (giai đoạn 2015-2020), Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội nhận định: Những lỗi, những sạn trong SGK gây khó cho cả giáo viên và học sinh, gây băn khoăn, phản ứng dư luận... là từ việc Bộ Giáo dục chưa cụ thể trong yêu cầu về chất lượng và quy trình hoàn chỉnh bản mẫu SGK trước khi nhà xuất bản trình hội đồng quốc gia thẩm định. Vì tổ chức thực nghiệm SGK chưa rõ thời lượng và quy mô thực nghiệm, chưa được lấy ý kiến phản hồi rộng rãi.

Để không còn sự khác biệt trong việc học giữa cháu nội bà thứ trưởng và đa số con cháu người dân, thật ra, cần một sự tiếp thu chân thành, một sự quyết đoán để dẹp bỏ cái sai. Bởi nói như ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền: Nếu chấp nhận một bộ sách như một lốp xe đầy những mảnh chắp vá... thì đó là một thái độ thỏa hiệp rất nguy hại.

Và bà khuyên phụ huynh: Nhận thức là cả một quá trình nên phụ huynh không nên lo lắng quá, đừng quá áp lực với con em mình, bắt các em phải đọc viết được ngay.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/tu-chuyen-chau-noi-ba-thu-truong-voi-da-so-con-chau-nguoi-dan-852921.ldo
 

Theo Anh Đào (LĐO)

Có thể bạn quan tâm