Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Từ gian bếp của mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nếu nhà là nơi để người ta trở về nghỉ ngơi sau những mệt nhọc thì gian bếp chính là nơi giữ hơi ấm cho căn nhà đó. Đó là nơi nấu những bữa ăn hàng ngày, nơi cả nhà quây quần bên nhau trong những thời khắc ấm áp nhất. Tôi đã lớn lên cùng gian bếp đơn sơ với biết bao bữa cơm mẹ nấu, chủ yếu là những món quê nhà bình dị, vậy mà nhớ, mà thương.

Thức ăn của một vùng miền phụ thuộc vào điều kiện địa lý, khí hậu và thổ nhưỡng. Người Việt với nền văn minh lúa nước từ bao đời đã quen với cơm là món ăn chính mỗi ngày, thức ăn cũng thường là sản phẩm nuôi trồng được. Vậy nên món canh rau muống, cà dầm tương đã trở thành nỗi nhớ của những người con xa quê.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Như mọi người nông dân khác, mẹ tôi luôn bận rộn với công việc đồng áng. Sau giờ làm đồng, mẹ lại nấu những món ăn cho gia đình. Bàn tay mẹ thoăn thoắt lặt rau, làm cá. Món ăn của mẹ không cầu kỳ nhưng hương vị đậm đà ngon khó cưỡng. Thích nhất là món cá đồng mẹ kho.

Mùa mưa đến, con suối bên nhà nước chảy mạnh, cá theo đó mà về. Ba dùng chiếc đó tre đặt ngược dòng nước, đến sáng là có một rổ cá đầy. Mẹ làm sạch, nướng qua rồi ướp gia vị kho cá. Nồi cá thơm lừng mùi nước mắm, mùi hành tiêu, gừng nghệ. Lúc rảnh rỗi, mẹ ngâm gạo làm bánh xèo, nạo củ mì làm bánh rế, nấu củ lang khô với đường và đậu phộng rồi vắt thành từng viên. Nhiều món ăn khác được mẹ chế biến từ gạo, bắp, củ lang, củ mì, rau trái vườn nhà để thay đổi thực đơn cho cả nhà.

Sau này, chúng tôi lớn lên đi học xa rồi đi làm, ăn được nhiều món ăn của những vùng miền khác nhau, nhưng hương vị món ăn của mẹ thì lúc nào cũng còn nguyên trong ký ức.

Nỗi nhớ về gian bếp gia đình, về hương vị quê hương có lẽ không phải của riêng ai. Chồng tôi quê ở vùng biển với những bãi cát mênh mông. Đất cát rút nước mưa nhanh để lại những đám ruộng khô nóng bỏng chân người. Việc trồng lúa nước trước đây là không thể, cây lương thực chủ yếu là khoai lang. Vậy nên, quê chồng tôi có câu: Khoai lang là vàng kẻ khó. Khoai lang lành tính, không độc như mì nên có thể ăn bất cứ lúc nào mà không sợ say. Cái thời ăn khoai lang trừ bữa ấy đã qua, nhưng chồng tôi vẫn rất thích ăn khoai lang và có thể ăn vào mỗi ngày như một cách để nhớ quê hương, nhớ những ngày còn bên mẹ. Một món đặc sản nữa của vùng quê cát trắng ấy là bánh bột lọc, thứ bánh làm từ khoai mì không thể thiếu được trong các dịp tụ họp gia đình.

Tình yêu quê hương bắt đầu từ những điều gần gũi nhất, trước hết là mẹ và những món ăn mẹ nấu. Con trai tôi lúc còn nhỏ không thích ăn gì khác ngoài đồ mẹ nấu. Sau này, cháu lớn hơn có đi đây đó và cũng đam mê văn hóa ẩm thực ở nhiều nơi. Nhưng khi được hỏi con có thích những thức ăn ấy hơn thức ăn quê mình không thì cháu luôn thích những món ăn từ gian bếp của mẹ.

Tôi vẫn thường cho rằng, một người sẽ luôn yêu quý gia đình của mình vì sự gắn bó máu mủ, tình cảm ấm nồng dành cho nhau. Nhưng có lẽ, chính những món ăn, cách nấu nướng riêng của mỗi nhà làm cho người đi xa luôn nhớ để tìm về. Người xa xứ thường giữ những hoài niệm về món ăn quê mình và họ luôn muốn lưu giữ truyền thống qua những món ăn mang đậm bản sắc ấy.

Hương vị quê nhà từ gian bếp của mẹ đã nuôi lớn mỗi người con, vun đắp một tình yêu với quê hương đất nước. Những món ăn ấy không chỉ giúp người ta trưởng thành về thể chất, mà còn tạo nên nét đẹp tâm hồn còn mãi với thời gian.

Có thể bạn quan tâm