Tin tức

Vấn đề Biển Đông bao trùm Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các chuyên gia đánh giá, hai vấn đề sẽ bao trùm hội nghị lần này đó là Biển Đông và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Sáng 31/7 Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM 52) và các Hội nghị liên quan sẽ chính thức khai mạc tại thủ đô Băng cốc, Thái Lan.
Với hơn 20 Hội nghị diễn ra từ nay đến hết tuần, các Bộ trưởng Ngoại giao 10 nước thành viên ASEAN và các đối tác, đối thoại được cho là sẽ trao đổi nhiều vấn đề quan trọng của ASEAN cũng như những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
 
Các quan chức cấp cao ASEAN tham dự cuộc họp.
Theo chương trình, sau phiên khai mạc, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ tham dự phiên họp hẹp trao đổi về các vấn đề nổi lên trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, kế hoạch triển khai Tài liệu Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Tuyên bố tầm nhìn của các nhà lãnh đạo ASEAN về quan hệ đối tác vì sự bền vững cũng như tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Theo các chuyên gia đánh giá, hai vấn đề sẽ bao trùm hội nghị lần này đó là Biển Đông và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Ông James Gomes, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á cho biết, theo thông báo sẽ có rất nhiều nội dung được thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 52 nhưng vấn đề được mọi người quan tâm nhất là an ninh ở trên biển Đông.
 “Căng thẳng trên biển Đông hiện đã trở thành vấn đề của cả khu vực và quốc tế. Vì thế tôi dự đoán rằng khi mà Hội nghị lần này có sự tham dự của Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ thì dù trực tiếp hay bên lề thì vấn đề biển Đông cũng sẽ được thảo luận”, ông James Gomes nói.
Một khía cạnh khác được ông James Gomes nhắc tới đó là việc các nước ASEAN sẽ thúc đẩy giải quyết căng thẳng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
 “Tôi cho rằng vấn đề an ninh là đặc biệt quan trong nhưng việc xem xét các vấn đề về kinh tế cũng rất cần thiết, đặc biệt là quanh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bởi điều này có ảnh hưởng tới kinh tế khu vực. Các nước ASEAN sẽ trao đổi để thúc đẩy hai nước cùng giải quyết căng thẳng bởi nói cho đến cùng thì cuộc chiến này sẽ ảnh hưởng đến cả người dân và kinh tế ASEAN”, ông James Gomes nhìn nhận.
Còn Phó Giáo sư Naruemon Thabchumpon, Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan cho rằng, vấn đề về sông Mekong, đặc biệt là về tình hình hạn hán tác động đến các nước hạ nguồn cũng sẽ được trao đổi tại các Hội nghị lần này.
Phát biểu tại buổi họp báo diễn ra sau cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov bày tỏ quan ngại đối với những nguy cơ đối với cấu trúc an ninh khu vực do ASEAN dẫn dắt. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Nga, cấu trúc an ninh khu vực hiện đang hình thành dưới sự dẫn dắt của ASEAN. Tuy nhiên, hiện tại cũng đang thấy một vài ý đồ làm xói mòn cấu trúc này và chúng ta không thể chấp nhận điều đó.
Theo chương trình, trong ngày hôm nay, các Bộ trưởng cũng sẽ Dự Lễ ký văn kiện mở rộng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) cho Peru và các nước xin gia nhập khác.
Ngoài ra, các Bộ trưởng cũng sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - New Zealand và tham dự nhiều hoạt động song phương, đa phương khác…
Quang Trung (VOV.VN)

Có thể bạn quan tâm