Về Kbang gặp chị An chữ thập đỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuối năm 2016, tôi làm “hướng dẫn viên” cho nhóm thiện nguyện về Kbang khảo sát thực tế để hỗ trợ bà con người Bahnar. Khi lên đường, một bạn trong nhóm thiện nguyện của TP. Pleiku vì lý do riêng nên không đi cùng đã dặn dò chúng tôi, đại ý: Về Kbang phải tìm gặp chị Nguyễn Thị An ở Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện, có chị ấy giúp thì việc sẽ thành.

Không ngại khó ngại khổ

Quả thật, gặp chị An, công việc của chúng tôi thuận buồm xuôi gió. Sau này, chúng tôi biết chị An là người của làng, của cơ sở, của công việc. Trên đường đi, An là hướng dẫn viên giúp chúng tôi biết được nhiều điều về đất và người Kbang. Cô gái trẻ trung, nhanh nhẹn, tháo vát, kiến thức về nơi mình làm việc rất khá.

Và, kể từ lần đầu về Kbang ấy cho đến nay, chúng tôi đã hàng chục lần đến nơi này cũng không ngoài mục đích đem niềm vui góp một phần nhỏ giúp bà con, lúc thì lương thực, thực phẩm, quần áo, dụng cụ học tập cho trẻ em, nhà tình nghĩa cho hộ nghèo, khi thì các công trình phúc lợi công cộng như nước sạch, giếng khoan, cầu, ngầm dân sinh...

Chị Nguyễn Thị An (thứ 2 từ trái sang) trao quà cho người dân. Ảnh: Bích Hà

Các bạn thiện nguyện của Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh nói vui với tôi trong một chuyến về làng Hà Đừng 1 và 2 (xã Đak Rong) tổ chức Trung thu cho các cháu thiếu nhi, rằng: “Chị An có năng khiếu kêu gọi tài trợ, đúng là xứng danh người làm công tác Hội CTĐ”.

Đêm ấy, chúng tôi chứng kiến trọn vẹn niềm vui của bà con 2 làng. Đêm đã rất khuya nhưng lời ca tiếng hát không muốn dứt, trời lại sắp mưa. Chúng tôi di chuyển bằng ô tô thì không lo mấy, còn chị An đi bằng xe máy, với quãng đường hơn 60 cây số.

Chúng tôi không khỏi lo lắng, nhưng với chị An thì: “Việc gì mà giúp được cho bà con các làng xa, còn nghèo khó là tôi không nề hà, không ngại khó khổ đâu, các bạn đến đây cả ngàn cây số còn không ngại mà”.

Trong câu chuyện với chúng tôi, chị An từng kể: Bố mẹ từ Quảng Bình vào Tây Nguyên làm công nhân ở Liên hiệp Kon Hà Nừng (Đoàn 332). An sinh ra ở đấy, thành người Kbang. Từ bé, An đã ước mơ lớn lên được làm một nghề có thể giúp được nhiều cho dân làng. Vậy nên, học xong phổ thông, An thi vào Đại học Đà Lạt, ngành Công tác xã hội và phát triển.

Sau 4 năm đèn sách, An được tiếp nhận vào làm việc ở Hội CTĐ huyện. Công việc có nhiều thuận lợi khi bản thân có sẵn vốn kiến thức từ nhà trường và những trải nghiệm cuộc sống.

Đó là những năm tháng vừa học nghề, vừa học việc, cũng là có thêm thu nhập để giảm đi nỗi vất vả của bố mẹ một nắng hai sương kiếm tiền cho con học hành tử tế: từ gia sư, chạy bàn các quán cà phê, quán nhậu, đóng gói hàng hóa, phát tờ rơi quảng cáo cho các doanh nghiệp, tham gia đội chuyên múa đám cưới, tham gia tất cả các mùa hè tình nguyện do Đoàn Thanh niên phát động.

Tưởng những việc vặt ấy chỉ “kiếm cơm” không thôi, nhưng khi đi làm, chính nó lại giúp ích cho An rất nhiều; đặc biệt là tăng vốn kiến thức từ thực tiễn, mạnh dạn trước công chúng, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tiếp xúc xã hội tốt hơn.

Tấm lòng thiện nguyện

Nhớ lại những lần tôi cùng các bạn trẻ trong nhóm thiện nguyện ở TP. Pleiku đưa các đoàn từ thiện tại TP. Hồ Chí Minh về Kbang gặp chị An, nhờ giúp đỡ trao hàng ngàn suất quà cho người dân.

Chị An và đồng nghiệp ở Hội CTĐ huyện làm việc rất có trách nhiệm, cẩn thận, chu đáo. Để các đoàn từ thiện thuận lợi trong hành trình, chị hướng dẫn, tư vấn cách gói quà, cách trao quà sao cho không sót người, sót quà và mùa nào, làng nào thì nên trao thức quà gì cho phù hợp. Việc di chuyển cũng thế, đến làng nào, xã nào thì cần loại phương tiện gì là thích hợp...

Mỗi khi có đoàn từ thiện liên hệ về Kbang, chị An đều làm công văn báo cáo cơ quan chức năng và địa phương, đồng thời đến tận nơi liên hệ, lập danh sách đối tượng, dự định thời gian trao quà, xây dựng chương trình cụ thể, làm phiếu nhận hàng phát đến tay người dân. Vì thế, khi tập hợp bà con, hàng trăm người mà vẫn đảm bảo trật tự, chính xác, nhanh gọn.

Chị Nguyễn Thị An (thứ 7 từ trái sang) cùng các đại biểu tại lễ khánh thành giếng sạch trao buôn ở huyện Kbang. Ảnh: Bích Hà

Tiếng lành đồn xa, các nhóm từ thiện thường muốn về Kbang. Nhiều nhà tài trợ, Mạnh Thường Quân... khi nhận được thông tin nhu cầu, từ khám bệnh, tặng quà cho hộ nghèo, nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách, giếng khoan, cầu, ngầm... dân sinh cho cộng đồng, khó có ai từ chối lời đề nghị của chị An.

Chị An còn là... người thầy, người chị của các em mồ côi, khuyết tật, không nơi nương tựa. Bữa cơm miễn phí giúp bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện huyện do chị khởi xướng và được nhiều nhà hảo tâm hưởng ứng, duy trì nhiều năm qua. Và chị vẫn luôn mơ ước có được nhà hảo tâm tài trợ, có kinh phí để xây dựng nhà cho các cháu mồ côi, người già neo đơn không nơi nương tựa.

Các hoạt động xã hội, từ thiện của Hội CTĐ Kbang được lãnh đạo huyện và Hội CTĐ tỉnh quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ. Với cương vị Phó Chủ tịch Hội, chị chăm lo phát triển hội viên và tổ chức Hội cơ sở, 14/14 xã, thị trấn có Hội và 5 trường học có chi hội CTĐ, gần 1.700 hội viên. Liên tục trong các năm 2019-2022, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chị An đã cùng anh chị em trong Hội kêu gọi các nhà hảo tâm khắp nơi về với Kbang.

Một vài con số thống kê ghi nhận việc làm của anh chị em hội viên CTĐ Kbang, trong đó chị An là người đi đầu trong các phong trào, như: năm 2022, tổng giá trị hàng hóa bằng tiền được các Mạnh Thường Quân, nhà hảo tâm ủng hộ cho công tác từ thiện xã hội thông qua Hội CTĐ huyện lên đến gần 4,9 tỷ đồng; qua đó hỗ trợ cho 12.519 đối tượng. Và trước đó, năm 2020 là 7,6 tỷ đồng với 20.303 đối tượng thụ hưởng. Vậy nên, thật dễ hiểu khi vì sao chị Nguyễn Thị An lại được anh chị em Hội CTĐ huyện Kbang trân quý, bầu chọn là 1 trong 3 đại biểu cho ngành CTĐ Gia Lai tham dự lễ tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2020 ở Hà Nội.

Có thể bạn quan tâm