Việt Nam sẽ nắm giữ trọng trách Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngay tháng 1-2020, sau khi trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an.
Ngày 12-12, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo quốc tế về việc Việt Nam chính thức đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021.
Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung nhắc lại vào tháng 6-2019, với số phiếu bầu kỷ lục 192/193 phiếu, Việt Nam chính thức trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ. Điều đó thể hiện sự nhìn nhận của cộng đồng quốc tế về nước Việt Nam không những có truyền thống trong quá khứ về đấu tranh mà còn nỗ lực trong hội nhập, thúc đẩy quan hệ quốc tế, đường lối đối ngoại của Việt Nam theo hướng ủng hộ những vấn đề chung được cộng đồng quốc tế quan tâm.
"Với việc tham gia HĐBA LHQ, Việt Nam có thể có cơ hội quan trọng để thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, nhà nước là thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa và Việt Nam mong muốn là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế" - Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung chủ trì họp báo quốc tế Ảnh: TTXVN |
Trong nhiệm kỳ làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam có 2 tháng làm Chủ tịch Hội đồng vào tháng 1-2020 và tháng 4-2021. Trả lời câu hỏi về các ưu tiên thảo luận khi nắm trọng trách Chủ tịch HĐBA vào tháng 1-2020, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết trong chương trình nghị sự, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ chủ trì cuộc họp của HĐBA, trong đó có cuộc thảo luận mở cấp bộ trưởng với chủ đề kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ, về tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, cũng như vai trò của tổ chức khu vực trong hợp tác với HĐBA duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Việt Nam cũng sẽ trao đổi về các vấn đề liên quan đến quỹ của Iraq, một số vấn đề liên quan đến khu vực Trung Đông, hoạt động của Lebanon...
Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết trong nhiệm kỳ HĐBA của mình, Việt Nam dự kiến sẽ chia sẻ các kinh nghiệm sẵn có về tái thiết hậu xung đột, giải quyết hậu quả chiến tranh. Việt Nam cũng đang trao đổi với các chuyên gia về các vấn đề hậu xung đột, hòa giải dân tộc và giải quyết bom mìn; cùng với đó sẽ thúc đẩy vấn đề vai trò phụ nữ, trẻ em trong hòa bình, an ninh hay vấn đề gìn giữ hòa bình.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, LHQ đánh giá sự tham gia của các cán bộ, chiến sĩ Việt Nam vào lực lượng gìn giữ hòa bình rất nghiêm túc, hoạt động hiệu quả, không những phục vụ cho các lực lượng gìn giữ hòa bình các nước mà tham gia hỗ trợ, phục vụ cho cả nhân dân, cộng đồng địa phương. Vì vậy, LHQ mong muốn Việt Nam cử thêm lực lượng tham gia. Một số sĩ quan của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình đã được khen thưởng. Thời gian tới, Việt Nam sẽ tham gia không chỉ trong lĩnh vực liên quan đến y tế mà đã chuẩn bị sẵn sàng để tham gia cả về lĩnh vực công binh.
Theo luật pháp quốc tế, HĐBA LHQ là cơ chế quốc tế duy nhất có thẩm quyền pháp lý để đưa ra các biện pháp cưỡng chế, trong đó có cả biện pháp liên quan đến sử dụng vũ lực. Tại diễn đàn có vai trò quan trọng hàng đầu như vậy, Việt Nam có điều kiện để thể hiện là thành viên ủng hộ tích cực, đóng góp có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Từ đó nâng cao uy tín, đánh giá của các quốc gia đối với khả năng, đóng góp thực sự của Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ của Việt Nam với các đối tác.
Theo Dương Ngọc (NLĐO)