Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp sẽ là một trong những trụ cột góp phần tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước trong thời gian tới.
Đây là nhận định chung của các đại biểu tham dự hội thảo "Tăng cường hợp tác địa phương Việt Nam – Pháp", diễn ra ngày 25-6 tại Paris, Pháp.
Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chiều 27-3-2018. |
Theo phóng viên tại Pháp, hội thảo đã thu hút sự tham gia của 4 tỉnh và thành phố Việt Nam là Hà Nội, Cần Thơ, Phú Yên và Quảng Ngãi, cũng như của các thành phố và các tổ chức của Pháp đã thiết lập mối quan hệ hợp tác phi tập trung với các địa phương Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp khẳng định hai bên đã làm được nhiều việc trong thời gian qua và có nhiều dự án để thực hiện trong thời gian tới. Các địa phương của Việt Nam đã chứng tỏ được sự chủ động trong hợp tác quốc tế và sẵn sàng tăng tốc nhằm đạt được hiệu quả cao hơn.
Theo ông Christophe Katsahian, Phó vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Ngoại giao Pháp, một trong những ưu tiên của Pháp là triển khai các dự án hợp tác quốc tế đến gần nhất với người dân. Thực tế đã chứng minh rằng các địa phương Việt Nam và Pháp có khả năng hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển, thông qua các dự án đã được triển khai và hoạt động hiệu quả.
Vì vậy, ngày càng có nhiều địa phương Pháp tìm kiếm cơ hội hợp tác với Việt Nam. Hiện nay, khoảng hơn 20 địa phương của Pháp tham gia các dự án hợp tác phát triển với các tỉnh, thành của Việt Nam.
Hình thức hợp tác này mang lại một giá trị to lớn cho các hoạt động của Pháp tại Việt Nam thông qua việc tham gia vào sự phát triển kinh tế xã hội cũng như củng cố các khả năng về thể chế của các tác nhân địa phương.
Một số địa phương đã nhận thấy rõ hiệu quả của quan hệ hợp tác này như Brest và Hải Phòng, Val-de-Marne và Yên Bái, Aquitaine và Thừa Thiên-Huế, Choisy-le-roi và quận Đống Đa (Hà Nội), Ile-de-France và Hà Nội.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, đánh giá mối quan hệ giữa Ile-de-France và Hà Nội là "mẫu mực và hiệu quả", nhất là trong các lĩnh vực bảo tồn phát triển các di sản văn hóa, quy hoạch và quản lý đô thị.
Giữa hai thủ đô có nhiều nét văn hóa tương đồng, hòa quyện với nhau. Nhân dịp này, lãnh đạo Hà Nội và Ile-de-France sẽ ký kết Chương trình hành động giai đoạn 2018 – 2021, với các lĩnh vực ưu tiên là viện trợ phát triển, trao đổi chuyên gia, đầu tư trực tiếp, mua bán chuyển giao công nghệ, chống biến đổi khí hậu, du lịch, y tế, giáo dục, nông nghiệp kỹ thuật cao, chính phủ điện tử và cải cách hành chính.
Tại hội thảo, đại diện của các địa phương Việt Nam và Pháp đã trao đổi về những tiềm năng hợp tác song phương. Thành phố Cần Thơ và các tỉnh Quảng Ngãi và Phú Yên giới thiệu các dự án đang kêu gọi đầu tư, nhất là trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp thực phẩm.
Đại diện của Choisy-le-roi cho biết thành phố thuộc Vùng thủ đô Pháp này sẽ tham gia triển khai dự án xây dựng một trung tâm văn hóa mang tên Ngôi nhà Việt Nam bên bờ sông Seine.
Theo đại diện của Seine-Saint-Denis, tỉnh đang có quan hệ hợp tác với Hải Dương trong bảo vệ môi trường và xử lý nước thải, đào tạo kỹ sư môi trường, xử lý rác thải làng nghề…
Trong thời gian sắp tới, hai bên sẽ cùng nhau tăng cường hiệu quả các dự án đã triển khai và có thể sẽ mở rộng sang lĩnh vực tin học và số hóa, hoặc văn hóa thể thao nói chung.
Nhân dịp này, ông Jean-Claude Dardelet, Phó chủ tịch thành phố Toulouse, đã giới thiệu các bước chuẩn bị cho Hội nghị hợp tác địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 11, dự kiến sẽ diễn ra năm 2019 tại Toulouse.
Ngoài các chủ đề truyền thống phục vụ phát triển địa phương, hội nghị lần thứ 11 sẽ đề cập đến các ưu tiên quốc gia, trong đó có các cam kết song phương trong bối cảnh Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sẽ ký kết Hiệp định thương mại tự do trong thời gian tới.
Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp (hay còn gọi là hợp tác phi tập trung Việt Nam – Pháp) được khởi nguồn từ năm 1989 với việc thành lập mối quan hệ đối tác giữa vùng Ile-de-France và thành phố Hà Nội.
Từ những năm 1990, hình thức hợp tác này không ngừng được củng cố, phát triển và đã trở thành nét đặc thù, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa các cấp địa phương của hai nước.
Hội nghị hợp tác phi tập trung được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1996 tại thành phố Lille, Pháp. Từ năm 2005, hội nghị được tổ chức luân phiên giữa các tỉnh/thành phố của Việt Nam và Pháp, từ 2 đến 3 năm một lần nhằm mục đích củng cố quan hệ hợp tác vốn có cũng như tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển quan hệ đối tác trong các lĩnh vực y tế, văn hóa, đào tạo đại học, môi trường, hợp tác giữa các tổ chức phi chính phủ và kinh tế.
Theo TTXVN