Gần đây, Trung Quốc liên tục có nhiều hành động gây quan ngại trên Biển Đông. Và quả thực đáng ngạc nhiên khi Bắc Kinh có thể hành động như vậy ngay cả khi chính Trung Quốc cũng đang phải đối phó với bệnh dịch Covid-19.
ASEAN cần phải làm việc với nhau để phản ứng ngược lại các hành vi của Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Thực tế này phản ánh tầm quan trọng của Biển Đông trong chiến lược của Bắc Kinh, và đó chính là một thách thức lâu dài mà rất khó kiểm soát.
Suốt thời gian qua, Bắc Kinh dường như không hề thay đổi chính sách, cách tiếp cận vấn đề Biển Đông. Tất cả nằm trong một chương trình dài hạn mà Trung Quốc tìm cách hợp pháp hóa tuyên bố chủ quyền do nước này tuyên bố trên Biển Đông. Và Bắc Kinh sẵn sàng làm điều đó khi cả thế giới đang tập trung chống dịch bệnh Covid-19.
Trong bối cảnh như vậy, các nước ASEAN cần phải làm việc với nhau để gây áp lực, phản ứng ngược lại các hành vi của Trung Quốc. Tuy nhiên, quá trình làm việc cần hình thành một động lực hiệu quả để các thành viên ASEAN phối hợp cùng nhau nhằm tạo ra sức mạnh chung. Trong quá trình đó, bước quan trọng nhất trước mắt phải là tạo sự đoàn kết trong nội bộ khối về các hành vi của Trung Quốc. Từ sự đoàn kết, ASEAN phải cùng nhau xây dựng một khung pháp lý đủ mạnh nhằm kiểm soát các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông.
GS Nick Bisley (Hiệu trưởng Trường Khoa học xã hội và nhân văn-Đại học La Trobe, Úc/Thanh Niên)