Thời sự - Bình luận

Xây dựng quan hệ lao động mới vì sự phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau nhiều lần nâng lên đặt xuống, giữa tuần qua, Quốc hội đã bấm nút thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi, chấm dứt những tranh luận của các chuyên gia lập pháp, các tổ chức xã hội, cũng như sự băn khoăn, lo lắng của người lao động khi luật mới có những điểm thay đổi, mà theo lẽ thường, chưa dễ gì được người lao động chấp nhận ngay. 
Trong hơn 10 điểm mới về người lao động và gần 10 điểm mới về tổ chức đại diện cũng như tổ chức của người lao động có những nội dung mang tính lịch sử, có những vấn đề, nội dung tác động đến vài chục năm. Chẳng hạn như việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình tăng chậm hay vấn đề phát triển quan hệ lao động trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; những vấn đề liên quan đến tiền lương, việc thương lượng, phát triển doanh nghiệp cũng như tạo điều kiện thương lượng tập thể...
Có thể nói rằng, vấn đề điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu là một chủ trương, quyết sách rất lớn của Đảng và Nhà nước. (ảnh internet)
Có thể nói rằng, vấn đề điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu là một chủ trương, quyết sách rất lớn của Đảng và Nhà nước. (ảnh internet)
Có thể nói rằng, vấn đề điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu là một chủ trương, quyết sách rất lớn của Đảng và Nhà nước. Một tầm nhìn có tính chất chiến lược nhằm đi trước, đón đầu thách thức già hóa dân số, giải quyết mục tiêu vừa phát triển kinh tế-xã hội nhưng vẫn phải đảm bảo cân đối việc làm, phát triển bền vững quỹ bảo hiểm, tiến tới giảm dần khoảng cách về giới.
Quốc hội kỳ này thông qua việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình tăng dần. Bắt đầu từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Cụ thể, với lao động nam, mỗi năm tăng 3 tháng, đối với nữ là 4 tháng. Những quy định này được áp dụng đối với người lao động trong điều kiện bình thường. Còn đối với những đối tượng đặc thù, làm việc trong điều kiện độc hại thì có hướng dẫn cụ thể. Ví như hiện nay, cả nước có 1.810 ngành nghề, công việc, lĩnh vực nặng nhọc, độc hại và vùng khó khăn với khoảng 3 triệu người lao động, số này sẽ được nghỉ hưu sớm nhưng không quá 5 năm. Ngược lại, những trường hợp có trình độ cao, do yêu cầu công việc đặt ra thì có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu nhưng cũng không quá 5 năm và chỉ được làm chuyên môn, không làm quản lý.
Hay như việc Quốc hội quyết định tăng thêm 1 ngày nghỉ trong dịp lễ Quốc khánh vừa có ý nghĩa tôn quý ngày Tết Độc lập, vừa tạo điều kiện để người dân có điều kiện chăm sóc con cái, người lao động được nghỉ ngơi. Về lâu dài, giảm giờ làm bình thường là một việc cần thiết. Tuy nhiên, cần có lộ trình cụ thể vì nó liên quan đến tất cả các chủ thể, đối tượng như người lao động, chủ sử dụng lao động, doanh nghiệp. Chính phủ được Quốc hội giao nghiên cứu, xem xét, có lộ trình đề xuất với Quốc hội để giảm giờ làm việc vào thời điểm thích hợp trong 1-2 năm. Giảm giờ làm chính thức, tăng giờ làm thêm nghĩa là người lao động có cơ hội được tăng thêm thu nhập khi giờ làm thêm tăng từ 200 giờ lên 300 giờ/năm.
Việc thông qua bộ luật Lao động có ý nghĩa rất lớn. Bởi sau Hiến pháp thì đây là bộ luật có vị trí quan trọng chi phối toàn bộ động lực phát triển của xã hội, mà trung tâm là người lao động. Vấn đề là Chính phủ và các ngành chức năng cần sớm ban hành các nghị định, thông tư liên quan để triển khai luật vào cuộc sống. Làm sao để mọi người hiểu được những thay đổi tích cực, tính khoa học, nhân văn của bộ luật này, đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động cũng như hài hòa các mối quan hệ với doanh nghiệp sử dụng lao động.
Nước ta đang phát triển trong điều kiện bắt đầu bước vào thời kỳ già hóa dân số. Một lực lượng lao động có tay nghề, năng suất lao động cao, đáp ứng yêu cầu của thời đại công nghiệp để đưa đất nước bứt phá là yêu cầu hết sức cần thiết. Vì vậy, hệ thống pháp luật cùng các chính sách đi kèm phải thay đổi để đầu tư, chăm lo cho người lao động tốt hơn, để người lao động thực sự phát huy năng lực, phát triển bản thân, vừa đảm bảo có cuộc sống no đủ, hạnh phúc vừa đóng góp thiết thực vào phát triển đất nước.
 NGUYỄN VÂN

Có thể bạn quan tâm