Tin tức

10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2021

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành; Tổng thống Joe Biden nhậm chức; Kết thúc kỷ nguyên Angela Merkel... là ba trong số 10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2021 do Lao Động bình chọn.

 

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên thệ nhậm chức ngày 20.1.2021. Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên thệ nhậm chức ngày 20.1.2021. Ảnh: AFP


1. Đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành

Năm 2021, đại dịch COVID-19 bước sang năm thứ hai với một loạt biến thể mới của virus SARS-CoV-2 như Delta, Delta Plus, Lambda, Mu, trong đó biến thể Delta là chủng trội trong hầu khắp cả năm cho đến khi biến thể Omicron có tốc độ lây lan nhanh xuất hiện vào thời điểm cuối năm, thách thức thành tựu chống dịch mà các nước đã đạt được.

Tính đến ngày 29.12, toàn thế giới có hơn 283 triệu ca mắc COVID-19; trong đó hơn 5,4 triệu ca tử vong và hơn 251 triệu ca hồi phục.

 

Tiêm vaccine COVID-19 ở thị trấn Bhambri, phía Bắc Durban, Nam Phi. Ảnh: AFP
Tiêm vaccine COVID-19 ở thị trấn Bhambri, phía Bắc Durban, Nam Phi. Ảnh: AFP


Một trong những điểm sáng trong năm COVID-19 ảm đạm là chiến dịch tiêm vaccine được đẩy mạnh trên toàn cầu. Theo thống kê mới nhất của trang Our World in Data, tính đến ngày 29.12 đã có 57,4% dân số thế giới được tiêm ít nhất 1 liều vaccine; hơn 9 tỉ liều vaccine đã được tiêm trên toàn cầu; trung bình 31,42 triệu liều được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, tỉ lệ người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm ít nhất 1 liều vaccine mới đạt 8,3%.

2. Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức

Ngày 20.1.2021, ông Joe Biden chính thức nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Mỹ trong một cuộc bầu cử đầy kịch tính và vô tiền khoáng hậu. Nửa tháng trước khi ông Biden nhậm chức, vào ngày 6.1, vụ bạo loạn Đồi Capitol đã gây chấn động nước Mỹ. Đám đông ủng hộ ông Donald Trump xông vào Đồi Capitol trong lúc Quốc hội Mỹ họp để chứng nhận chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020.

 

 Tổng thống Joe Biden và phu nhân trong ngày nhậm chức, 20.1.2021. Ảnh: AFP
Tổng thống Joe Biden và phu nhân trong ngày nhậm chức, 20.1.2021. Ảnh: AFP


Sau một năm cầm quyền, ông Biden đã đạt được cả thành công và thất bại. Kinh tế Mỹ phục hồi nhịp độ tăng trưởng, tỉ lệ thất nghiệp giảm. Nhiều gói kích thích quy mô lớn nhằm ứng phó dịch bệnh, giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội và nâng cao tăng trưởng kinh tế đã được đưa ra. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Delta và Omicron làm cho ông Biden không thể thực hiện thành công cam kết về đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

3. Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, Taliban tiếp quản

Một trong những quyết định về đối ngoại của Tổng thống Joe Biden trong năm 2021 là rút quân khỏi Afghanistan, kết thúc 20 năm can thiệp quân sự vào nước này. Trong khi Mỹ vẫn chưa hoàn tất việc rút quân, Taliban đã tăng cường tấn công quân đội chính phủ Afghanistan và vào tháng 8 đã kiểm soát toàn bộ đất nước.


 

Khoảnh khắc người lính Mỹ cuối cùng lên chuyến máy bay cuối cùng rời Afghanistan. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Khoảnh khắc người lính Mỹ cuối cùng lên chuyến máy bay cuối cùng rời Afghanistan. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ


Taliban đã thay thế thể chế dân chủ và bộ máy nhà nước do dân bầu bằng một nhà nước mới với tên gọi Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan. Nhà nước mới mang nặng tư tưởng Hồi giáo chính thống, và lấy Luật Hồi giáo Sharia là tiêu chuẩn cho mọi mối quan hệ xã hội dưới chế độ mới. Hiện chính quyền mới của Taliban chưa được quốc tế công nhận.

Trong khi đó, nền kinh tế Afghanistan đang đứng trước nguy cơ sụp đổ, khiến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cứu trợ nhân đạo cho Afghanistan.

4. Kết thúc kỷ nguyên Angela Merkel

Kỷ nguyên Angela Merkel kết thúc vào ngày 8.12 khi nữ thủ tướng được ví như "tượng đài" của nước Đức chính thức rời nhiệm sở sau 16 năm cầm quyền. Bà Angela Merkel đã được đảm bảo một vị trí trong sử sách ngay khi bà trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Đức vào ngày 22.11.2005. Trong 16 năm tiếp theo, bà được ghi nhận là người đã nâng cao danh tiếng và ảnh hưởng của nước Đức, nỗ lực cùng nhau xây dựng một Liên minh Châu Âu vững chắc, quản lý hàng loạt cuộc khủng hoảng và trở thành hình mẫu cho phụ nữ.


 

Đức tổ chức đại quân lễ trang trọng nhất chia tay bà Angela Merkel hôm 2.12.2021. Ảnh: AFP
Đức tổ chức đại quân lễ trang trọng nhất chia tay bà Angela Merkel hôm 2.12.2021. Ảnh: AFP


Nhiệm kỳ kỷ lục đã kết thúc khi bà Merkel rời nhiệm sở ở tuổi 67 với nhiều lời ngợi khen cả ở trong và ngoài nước. Thời gian nắm quyền của thủ tướng kỳ cựu chứng kiến những sự kiện lớn, bao gồm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cuộc khủng hoảng nợ của Châu Âu, dòng người tị nạn năm 2015-16 đến Châu Âu và đại dịch COVID-19. Người kế nhiệm bà, ông Olaf Scholz - đã chính thức được Quốc hội Đức bầu làm Thủ tướng Đức hôm 8.12.

5. Mỹ, Anh, Australia lập liên minh AUKUS

Ngày 16.9, Mỹ, Anh và Australia bất ngờ công bố thỏa thuận liên minh an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mang tên AUKUS, cho phép chia sẻ nhiều hơn khả năng quốc phòng cùng nhau. Các bên khẳng định, việc thành lập AUKUS không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào và là nỗ lực lớn hơn để duy trì sự can dự và ngăn chặn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của ba quốc gia. Ba nước đồng ý chia sẻ thông tin trong các lĩnh vực bao gồm trí tuệ nhân tạo, khả năng phòng thủ không gian mạng và dưới nước.

Điểm nhấn đặc biệt đáng chú ý của AUKUS là kế hoạch hỗ trợ Australia mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Giới bình luận cho rằng, việc liên minh AUKUS ra đời phản ánh rõ nét chiến lược xoay trục của Mỹ về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời tạo nên những thay đổi trong cán cân chiến lược của khu vực.

6. Hội nghị Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu COP26

Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) đạt thỏa thuận lịch sử với việc tái khẳng định duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C theo Thỏa thuận Paris.

 

Các nước đạt thoả thuận tại COP26. Ảnh: COP26
Các nước đạt thoả thuận tại COP26. Ảnh: COP26


Tại COP26, tất cả 197 quốc gia đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow, cam kết tăng tốc các nỗ lực hướng tới giảm thiểu điện than và loại bỏ trợ cấp dành cho nhiên liệu hóa thạch có hiệu suất kém. Mục tiêu này đòi hỏi phải cắt giảm lớn lượng khí thải CO2 một cách nhanh chóng và bền vững, bao gồm giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về 0 vào khoảng giữa thế kỷ, cũng như giảm sâu phát thải các khí nhà kính khác.

Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia phát thải lớn nhất thế giới - đã ra tuyên bố chung về biến đổi khí hậu, theo đó hai nước cam kết sẽ hợp tác trong thập kỷ tới để xây dựng các chiến lược dài hạn nhằm đạt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0, đồng thời giải quyết các vấn đề về phát thải khí mêtan, chuyển đổi sang năng lượng sạch và giảm phát thải carbon. Thỏa thuận giữa hai quốc gia phát thải lớn nhất thế giới được xem là một bước quan trọng để đạt mục tiêu khống chế mức gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C đề ra trong Thỏa thuận Paris.

7. Thượng đỉnh Mỹ - Trung, Mỹ - Nga

Cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi giữa tháng 11 đã giúp hai nhà lãnh đạo và hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xác lập được khuôn khổ mới để xử lý mối quan hệ phức tạp, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh chiến lược.


 

 Tổng thống Joe Biden hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP
Tổng thống Joe Biden hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP


Giới quan sát nhận định cuộc gặp phát đi tín hiệu rằng hai nước sẽ hợp tác trong nhiều lĩnh vực dù không tránh khỏi sự cạnh tranh gay gắt; bản thân việc hai nhà lãnh đạo cố gắng quản lý cạnh tranh đã là một dấu hiệu tích cực cho thế giới.

Cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Vladimir Putin ở Geneva, Thụy Sĩ hồi tháng 6 và thượng đỉnh trực tuyến hồi tháng 12 đã giúp Mỹ và Nga hiểu rõ hơn lợi ích của mỗi bên, cũng như các khác biệt giữa họ với nhau và cùng nhau tìm cách quản lý mối quan hệ song phương Mỹ - Nga trên tinh thần đó.

8. Tắc nghẽn ở kênh đào Suez

Cuối tháng 3.2021, siêu tàu Ever Given, một trong những tàu container lớn nhất thế giới với tổng tải trọng hơn 200.000 tấn, mắc cạn ở kênh đào Suez (Ai Cập) khi đang trong hành trình tới điểm đến Rotterdam ở Hà Lan, gây tắc nghẽn ở tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới.


 

Tàu chở hàng Ever Given mắc kẹt ở kênh đào Suez hôm 23.3. Ảnh: AFP
Tàu chở hàng Ever Given mắc kẹt ở kênh đào Suez hôm 23.3. Ảnh: AFP



Kênh đào Suez chiếm khoảng 30% lưu lượng tàu container trên thế giới mỗi ngày đã bị tê liệt trong gần một tuần, chặn dòng chảy hàng hóa giữa Châu Âu và Châu Á. Vụ mắc cạn gây tác động lớn đến chuỗi cung ứng và nền kinh tế toàn cầu, vốn đã gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

9. Thiên tai, lũ lụt tồi tệ

Mưa bão, lũ lụt là hai trong số các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt nhất thế giới trong năm 2021, gây thiệt hại lớn về người và của. Các quốc gia giàu có cũng đã phải trải qua những tác động trước mắt của các hiện tượng thời tiết bất thường. Sau cơn bão Ida ở Mỹ, Tổng thống Joe Biden cảnh báo  thời tiết khắc nghiệt như vậy sẽ khiến Mỹ thiệt hại hơn 100 tỉ USD trong năm 2021.

 

 Lũ lụt ở Hà Nam, Trung Quốc, tháng 7.2021. Ảnh: AFP
Lũ lụt ở Hà Nam, Trung Quốc, tháng 7.2021. Ảnh: AFP


Lũ lụt ở Đức, Bỉ, Trung Quốc khiến hàng trăm người thiệt mạng, thiệt hại kinh tế hàng chục tỉ USD. Mặc dù Trung Quốc thường hứng chịu lũ lụt trong những tháng mùa hè, nhưng lũ lụt năm 2021 trầm trọng hơn do đô thị hóa nhanh chóng, chuyển đổi đất canh tác và cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng tồi tệ, cũng như các hệ thống giảm thiểu lũ lụt quá tải.

10. Du lịch vũ trụ

Năm 2021 đánh dấu chuyến bay thương mại đầu tiên vào vũ trụ, mở ra kỷ nguyên mới cho du lịch vũ trụ. Tập đoàn SpaceX đưa thành công phi hành đoàn Inspiration 4 vào quỹ đạo. Đây là chuyến bay đầu tiên với toàn bộ 4 "phi hành gia nghiệp dư".

 

Toàn bộ phi hành đoàn Inspiration 4 đều không phải phi hành gia chuyên nghiệp. Ảnh: SpaceX
Toàn bộ phi hành đoàn Inspiration 4 đều không phải phi hành gia chuyên nghiệp. Ảnh: SpaceX



Các phi hành gia đã trải qua 3 ngày trên tàu vũ trụ Crew Dragon trên quỹ đạo Trái đất ở độ cao hơn 560km và trở về Trái đất an toàn. Các công ty vũ trụ khác như Virgin Galactic, Blue Origin cũng thử nghiệm các chuyến bay tư nhân đưa hành khách lên vũ trụ.
 

https://laodong.vn/tu-lieu/10-su-kien-the-gioi-noi-bat-nam-2021-989587.ldo

Theo BÁO LAO ĐỘNG

Có thể bạn quan tâm