Với 4 trường hợp đã được xác nhận tử vong, gần như chắc chắn số người chết trong vụ núi lửa phun trào đã lên đến con số 36.
Núi lửa Ontake phun trào (Ảnh AP) |
Số người chết trong vụ phun trào của ngọn núi lửa Ontake có thể lên đến gần 40 người khi hôm qua (29-9) lực lượng cứu hộ Nhật Bản đã phát hiện thêm 5 người leo núi trong tình trạng tim phổi ngừng đập tại khu vực gần đỉnh ngọn núi lửa vừa thức giấc hôm 27-9.
Với việc phát hiện thêm 5 người leo núi trong tình trạng tim phổi ngừng đập, số nạn nhân rơi vào tình trạng này đã lên đến 32 người. Tình trạng tim phổi ngừng đập là một hình thức pháp lý của Nhật Bản trong trường hợp cơ quan y tế chưa xác nhận tử vong.
Như vậy, với 4 trường hợp đã được xác nhận tử vong, gần như chắc chắn số người chết trong vụ núi lửa phun trào đã lên đến con số 36. Số người bị thương được xác định là 63 người. Còn số người mất tích vẫn chưa được thống kê.
Trong ngày 29-9, hơn 540 nhân viên cứu hộ Nhật Bản, bao gồm cả các binh sĩ của lực lượng phòng vệ tiếp tục công tác tìm kiếm những người leo núi còn mắc kẹt tại núi Ontake. Lực lượng cứu hộ chia làm 4 nhóm, trong đó 3 nhóm đi theo 3 con đường dẫn lên đỉnh núi, còn một nhóm sử dụng trực thăng tiếp cận khu vực đỉnh núi lửa từ trên không. Tuy nhiên, công tác cứu hộ đã phải tạm dừng vào trưa nay do xuất hiện khí gas độc.
Phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản hôm 28-9, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định Chính phủ nước này sẽ nỗ lực hết sức trong công tác cứu hộ cứu nạn. Tuy nhiên, vụ phun trào bất ngờ của núi lửa Ontake lần này với nhiều thiệt hại về sinh mạng đang làm dấy lên những ý kiến chỉ trích về sự thiếu đầu tư trong công tác nghiên cứu, cảnh báo núi lửa hoạt động.
Theo giới phân tích, các biện pháp đối phó với thiên tai của Chính phủ cũng như việc hoàn thiện hệ thống luật pháp phòng-chống thiên tai sẽ trở thành một chủ đề được đem ra mổ xẻ trong kỳ họp Quốc hội lần này.
Theo VOV