Tin tức

5 nội dung đáng chú ý tại Đối thoại Shangri-La 2018

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 đang diễn ra tại Singapore, có 5 nội dung quan trọng sẽ được các đại biểu tham gia thảo luận.
 

Các Bộ trưởng quốc phòng tại Đối thoại Shangri-La 2018.
Các Bộ trưởng quốc phòng tại Đối thoại Shangri-La 2018.

Căng thẳng Biển Đông

Việc bảo đảm hòa bình, ổn định ở Biển Đông là vấn đề lớn được quan tâm hàng đầu tại Đối thoại Shangri-La.

Ngay trước thềm Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 năm nay, tình hình Biển Đông đã trở nên căng thẳng hơn khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho biết Mỹ sẽ tiếp tục đối đầu với những gì mà Washington coi là quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp.

"Bạn sẽ nhận thấy chỉ có Mỹ dường như đã và đang thực hiện các bước đi tích cực để chống lại hoặc tuyên bố phản đối Trung Quốc thực hiện quân sự hóa Biển Đông. Bởi đây là vùng biển quốc tế và rất nhiều quốc gia cũng đều muốn sự tự do hàng hải tại Biển Đông", ông Mattis nói và nhấn mạnh, khi Trung Quốc làm những điều mờ ám đối với phần còn lại của chúng ta, thì chúng ta không thể hợp tác trong các lĩnh vực mà đáng lẽ chúng ta sẽ hợp tác.

Trước đó, hai tàu chiến của Hải quân Mỹ đã di chuyển đến gần một số đảo tranh chấp ở Biển Đông. Bắc Kinh đã lên án động thái này, cho rằng đây là sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc.

Khủng hoảng Triều Tiên

Khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên đang đến gần, trọng tâm của Đối thoại Shangri La là cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Triều Tiên. Triển vọng của Hội nghị thượng đỉnh này đang trở nên chắc chắn hơn khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xác nhận sẽ gặp ông Kim Jong-un vào ngày 12/6 tới tại Singapore.

Tại Đối thoại Shangri- La, các Bộ trưởng quốc phòng của các nước sẽ thảo luận về mức độ chân thành của Triều Tiên trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, và khả năng ông Trump và ông Kim Jong-un có thể đạt được thỏa thuận trong các cuộc đàm phán của họ.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo và người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera dự kiến sẽ có một bài phát biểu quan trọng có tiêu đề "Tránh leo thang cuộc khủng hoảng Triều Tiên".

Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương

Mỹ đã đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ- Thái Bình Dương để thể hiện tầm quan trọng ngày càng tăng của Ấn Độ trong khu vực. Thời điểm Mỹ đưa ra động thái này cũng trùng hợp với những căng thẳng leo thang trên Biển Đông. Trước động thái này của Mỹ, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ren Guoqiang nói rằng Trung Quốc đang theo dõi những diễn biến tiếp theo.

Trong khi đó, ông Mattis dự kiến sẽ nói về sự lãnh đạo của Mỹ và những thách thức an ninh khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tại Đối thoại Shangri-La. Washington đã nhiều lần khẳng định cam kết duy trì an ninh trong khu vực, mà các nhà phân tích nói là nhằm vào Trung Quốc

Trung Quốc muốn "né" căng thẳng ở Biển Đông

Theo ông Yue Gang, chuyên gia phân tích quân sự Trung Quốc, các quan chức của Trung Quốc tham gia Đối thoại Shangri-La đã được lựa chọn cẩn thận để định hình cuộc đối thoại như một cuộc “trao đổi học thuật”, thay vì tranh luận chính sách. Đoàn đại biểu Trung Quốc được dẫn đầu bởi Trung tướng He Lei, Phó Giám đốc Học viện Quân sự Giải phóng Quân đội Nhân dân.

"Sự kiện này giống như một cuộc trao đổi về lý thuyết quân sự, vì vậy bằng cách cử các đại biểu thuộc giới nghiên cứu, chúng tôi có thể bác bỏ những quan điểm không chính xác", ông Yue nói và cho biết, Trung Quốc không muốn làm cho cuộc trao đổi trở nên quá căng thẳng.

Các vấn đề an ninh khu vực khác

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự kiến sẽ có bài phát biểu làm nổi bật vai trò của Ấn Độ trong việc giúp đảm bảo sự ổn định trong khu vực. Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã tăng cường hoạt động hải quân của mình ở Ấn Độ Dương khi Trung Quốc gia tăng sự hiện diện của mình trong khu vực với chiến lược “chuỗi ngọc trai” các cơ sở quân sự và kinh tế.

Các vấn đề cấp bách khác cũng sẽ được thảo luận tại Đối thoại Shangri-Laị bao gồm khủng hoảng Rohingya của Myanmar, khủng bố và chống khủng bố, và những tác động của việc phát triển quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Cẩm Anh/DĐDN

Có thể bạn quan tâm