Tin tức

5 nước không thường trực mới bắt đầu nhiệm kỳ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bộ trưởng Hợp tác và quan hệ quốc tế Nam Phi (DIRCO), bà Maite Nkoana-Mashabane.
Bộ trưởng Hợp tác và quan hệ quốc tế Nam Phi (DIRCO), bà Maite Nkoana-Mashabane.
Ngày 3-1, Bộ trưởng Hợp tác và quan hệ quốc tế Nam Phi (DIRCO), bà Maite Nkoana-Mashabane, cho biết cùng với Ấn Độ, Đức, Bồ Đào Nha và Colombia, Nam Phi đã chính thức bắt đầu nhiệm kỳ hai năm 2011-2012 thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Bộ trưởng Mashabane khẳng định Nam Phi sẽ làm tốt nhiệm vụ của mình, đóng góp tích cực vào quá trình duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, đặc biệt là tại châu Phi, và nỗ lực góp phần giảm căng thẳng, ngăn ngừa và giải quyết hòa bình các cuộc xung đột trên thế giới.

Với vị trí quan trọng tại châu Phi, Nam Phi sẽ là nhân tố tích cực thúc đẩy và nâng cao các hoạt động phối hợp của Hội đồng Bảo an với các tổ chức khu vực, nhất là Hội đồng An ninh và hòa bình Liên minh châu Phi.

Bộ trưởng nhấn mạnh đây là lần thứ hai Nam Phi đảm nhận chức ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an và nước này sẽ phát huy những kinh nghiệm trước đây, nhằm nâng cao vai trò của cơ quan trong giải quyết các vấn đề quốc tế nổi cộm hiện nay như duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới và khu vực châu Phi; tăng cường tính đại diện, hiệu quả, dân chủ của Hội đồng Bảo an để có thể ứng phó hiệu quả với những mối đe dọa và thách thức mới của thế kỷ 21, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Trong cuộc bỏ phiếu hồi tháng Mười năm ngoái, Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 65 đã bầu chọn Nam Phi, Ấn Độ, Đức, Bồ Đào Nha và Colombia là năm nước thành viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2011-2012. Các nước bắt đầu nhiệm kỳ từ ngày 1-1-2011, thay các nước kết thúc nhiệm kỳ là Áo, Nhật Bản, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Uganda.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có 15 thành viên, trong đó có năm thành viên thường trực có quyền phủ quyết là Trung Quốc, Pháp, Anh, Nga và Mỹ. Mười thành viên không thường trực còn lại sẽ được bầu theo khu vực và có nhiệm kỳ hai năm.
Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm