Nhóm 5 nước bên bờ Biển Caspi hôm 12/8 đã đạt được thỏa thuận thành lập cơ chế phân chia hồ nước lớn nhất thế giới, cấm lực lượng vũ trang ngoài khu vực can thiệp sự vụ tại đây.
Lãnh đạo 5 quốc gia vùng duyên hải Biển Caspi |
Lãnh đạo các nước Nga, Iran, Kazakhstan, Azerbaijan và Turkmenistan đã ký thông qua Quy ước về Tình trạng Pháp lý của Biển Caspi, chính thức đạt được đột phá về lĩnh vực thương mại, an ninh và môi trường sau 20 năm đàm phán.
Những nước này đã thành công trong việc chia sẻ hồ nước lớn nhất thế giới và nguồn tài nguyên dầu khí được dự đoán dồi dào của vùng hồ này, theo tờ The New York Times.
Là biển cô lập trong đất liền và ít mặn hơn đại dương, Biển Caspi được Iran và Liên Xô (trước thời điểm tan rã) xem là hồ, và đường biên giới được phân định rõ ràng giữa hai bên.
Tuy nhiên, khi các quốc gia mới trỗi dậy, họ muốn chia phần riêng trên Caspi, hoặc đưa ra một hướng tiếp cận khác giống như trường hợp phân định các vùng biển quốc tế và phần thuộc lãnh hải.
Thỏa thuận vừa được ký kết tại thành phố Aktau (Kazakhstan) hôm 12/8 đã tìm ra hướng giải quyết cho tình trạng trên, theo đó xem bề mặt là vùng biển quốc tế, trong khi phân chia phần đáy biển thành các vùng lãnh hải.
Tuy nhiên, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết việc phân chia đáy biển và tài nguyên của nó cần phải được thông qua trong các thỏa thuận khác. Quy ước về Biển Caspi cũng được xem đóng vai trò then chốt trong việc phá thế cô lập của Iran trước vòng vây cấm vận của Mỹ.
Trong khi đó, Nga từng phản đối việc phân chia Biển Caspi thành các lãnh hải khác nhau nhằm tránh đẩy hạm đội đang đóng tại đây vào tình thế bị bao vây. Hải quân Nga đã phóng tên lửa từ các tàu chiến của hạm đội Biển Caspi phá hủy các mục tiêu trên đất Sryia.
Ngoài ra, thỏa thuận cũng nêu rõ không một quốc gia nào khác ngoài các thế lực trên bờ Biển Caspi có thể điều động tàu chiến tại khu vực.
Thụy Miên (thanhnien)