Tin tức

Âm mưu thao túng dư luận, Trung Quốc lấp liếm hành vi gây rối

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thâu tóm báo chí bên ngoài đại lục, mở rộng kênh tuyên truyền ra thế giới, gây ảnh hưởng lên giới nghiên cứu... là những phương thức mà Trung Quốc đang theo đuổi nhằm định hướng dư luận để lấp liếm các hành vi sai trái trên Biển Đông.
 
South China Morning Post gần đây có nhiều bài phân tích biện minh cho hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: Chụp màn hình trang báo
Những ngày qua, dư luận quốc tế chỉ trích việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, đồng thời lo ngại việc hải quân Trung Quốc công bố tàu sân bay Liêu Ninh đến Biển Đông để tập trận. Đó là những hành vi gây rối, đe dọa an ninh và ổn định của khu vực. Thế nhưng, giữa bối cảnh đó, vẫn nổi lên một số chiến dịch tuyên truyền đến từ truyền thông cả trong lẫn ngoài Trung Quốc đại lục, với nội dung chạy tội cho Bắc Kinh và “đổ lỗi” trách nhiệm về phía nước khác.
Khéo léo bơm thổi thông tin
Liên quan vụ tàu hải cảnh Trung Quốc tông chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi ngày 2.4 ở quần đảo Hoàng Sa, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc là bà Hoa Xuân Doanh trắng trợn bịa đặt tàu cá Việt Nam đâm vào tàu hải cảnh Trung Quốc. Theo sau khi bà Hoa bịa đặt, hàng loạt cơ quan ngôn luận Trung Quốc như Hoàn Cầu thời báo, Nhân dân nhật báo, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV)... đã hăm hở đăng tải phát ngôn trên.
Tuy nhiên, sự bịa đặt trên không thể thuyết phục dư luận quốc tế, thì bắt đầu một hướng truyền thông mới để đánh tráo khái niệm vụ việc trên. Ngày 12.4, tờ South China Morning Post đăng bài viết China and Vietnam “likely to clash again” as they build maritime militias (tạm dịch: Việt Nam và Trung Quốc có thể lại va chạm khi đều xây dựng lực lượng dân quân biển). Trích dẫn các nhận định được cho là xoay quanh vụ việc tàu cá Việt Nam bị tông chìm vào ngày 2.4, bài viết ẩn ý nội dung rằng vụ việc là hệ quả của sự va chạm khi hai nước tăng cường xây dựng lực lượng dân quân biển.
Vấn đề đặt ra là bản chất vụ việc thì một tàu cá dân sự bị đâm chìm bởi một tàu hải cảnh có kích thước lớn, được trang bị vũ khí, không thể ẩn ý để đánh đồng với một vụ va chạm giữa hai tàu mang nhiệm vụ chấp pháp hay bán quân sự. Bằng cách lồng ghép ra vẻ khách quan như “cả hai bên đều cáo buộc trách nhiệm lẫn nhau”, bài báo của South China Morning Post dễ khiến người đọc cảm nhận rằng vụ tàu cá Việt Nam bị đâm chìm là việc tàu dân quân giữa hai bên đụng độ.
Đổ vấy trách nhiệm
Cách thức tuyên truyền trên cũng được tờ South China Morning Post lồng ghép trong nhiều bài viết nhằm giúp Bắc Kinh đổ lỗi, rồi tạo cớ gây căng thẳng trên Biển Đông.
Truyền hình Trung Quốc hoạt động toàn cầu

Bên cạnh việc phát triển các phiên bản tiếng Anh cho các tờ báo lớn của Trung Quốc, chính quyền nước này còn tập trung mở rộng phạm vi hoạt động của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV). Năm 2000, CCTV ra mắt kênh CCTV-9 là kênh quốc tế đầu tiên để phát sóng ở nhiều nước trên thế giới. Đến năm 2010, CCTV-9 đổi tên thành CCTV News. Và từ năm 2016 đến nay, kênh này có tên CGTV (China Global Television Network - Mạng lưới truyền hình Trung Quốc toàn cầu). Đến nay, CGTV đã phủ sóng ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời được cho là có nhiều triệu người theo dõi.

Từ cuối tháng 3 đến nay, báo này có một loạt bài viết như Beijing may step up drills in South China Sea amid rising tensions with US military, analysts say (tạm dịch: Chuyên gia nhận định Bắc Kinh có thể tăng cường tập trận ở Biển Đông giữa lúc căng thẳng gia tăng với quân đội Mỹ) đăng ngày 29.3; US military operations in South China Sea increase risk of confrontation, think tank says (tạm dịch: Tổ chức tham vấn đánh giá các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông làm gia tăng nguy cơ đụng độ) đăng ngày 30.3; This is not the time to add to tensions in South China Sea (tạm dịch: Đây không phải là lúc để gây thêm căng thẳng trên Biển Đông) đăng ngày 13.4…
Tinh thần chung của các bài viết này đều tập trung vào việc Mỹ gia tăng quân sự ở khu vực tây Thái Bình Dương, đặc biệt ở Biển Đông, nên khiến Trung Quốc phải “tự vệ” đáp trả, bằng nhiều cách mà trong đó có việc đẩy mạnh tập trận nhằm phô trương lực lượng, hay đẩy mạnh bố trí vũ khí, xây dựng hạ tầng các bãi đá và đảo nhỏ mà Bắc Kinh đang chiếm đóng trên Biển Đông. Đây cũng chính là giọng điệu mà Hoàn Cầu thời báo, Nhân dân nhật báo, China Daily, báo của quân đội Trung Quốc và Tân Hoa xã… vẫn thường đưa ra trong thời gian qua.
Tuy nhiên, như Thanh Niên từng phân tích, ở các bãi đá và đảo trên hai quần đảo Hoàng Sa lẫn Trường Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép, nước này cấp tập tăng cường vũ khí, khí tài từ radar đến chiến đấu cơ, tên lửa các loại…; mở rộng hạ tầng trên các đảo, bãi đá với đường băng, nhà chứa máy bay… Tất cả diễn ra theo một chương trình rầm rộ, trong thời gian dài. Những động thái này hoàn toàn không phải được bắt đầu sau khi Mỹ gia tăng hiện diện quân sự trong khu vực.
Thâu tóm truyền thông, bành trướng tuyên truyền
Tờ South China Morning Post (tên tiếng Việt là Bưu điện Hoa Nam buổi sáng) đến nay có gần 120 năm lịch sử và từng được biết đến như một tờ báo tiến bộ của châu Á. Tuy nhiên, từ năm 2016, tờ báo này được bán cho Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc đại lục). Đây là tập đoàn được sáng lập bởi tỉ phú Mã Vân (Jack Ma).
Năm 2018, tờ The Guardian dẫn lời ông Thái Sùng Tín, Phó chủ tịch Tập đoàn Alibaba, nói rằng sau khi thuộc sở hữu tập đoàn này, South China Morning Post sẽ cung cấp “một cái nhìn khác về Trung Quốc”. Và đến nay thì “cái nhìn khác về Trung Quốc” mà ông Thái đề cập đã rõ ràng hơn. Trong trường hợp Biển Đông, “cái nhìn khác” là sự ngụy biện để hợp pháp hóa các hành vi sai trái của Bắc Kinh. Ngoài ra, tỉ phú Mã Vân đã không phủ nhận khi giới truyền thông đặt câu hỏi về thông tin ông được chính phủ Trung Quốc yêu cầu phải thâu tóm South China Morning Post. Yêu cầu đó là hoàn toàn dễ hiểu, vì tờ báo này đặt tại đặc khu Hồng Kông nằm trong quyền kiểm soát của Trung Quốc, và lúc đó đang có uy tín khá cao.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn có thêm những chương trình hợp tác với truyền thông quốc tế. Bằng cách tài trợ những nguồn tài chính cho nhiều cơ quan truyền thông phương tây thông qua các thỏa thuận hợp tác.
Theo tờ The Guardian, tờ China Daily của Trung Quốc đã ký hợp đồng với hàng loạt đầu báo lớn như The New York Times, The Washington Post, The Wall Street Journal… của Mỹ, hay tờ The Telegraph của Anh. Thông qua thỏa thuận hợp tác, hàng tháng hoặc nửa tháng, China Daily có một số trang báo về Trung Quốc để chèn bên trong các tờ báo trên. Qua đó, Bắc Kinh muốn đưa ra những quan điểm, góc nhìn về Trung Quốc đại lục. Trong đó, vào thời điểm năm 2018, thỏa thuận thực hiện chuyên trang như thế mỗi tháng đem về khoản tiền 750.000 USD mỗi năm cho The Telegraph. Tổng số tiền mà tờ China Daily tiêu tốn cho những hợp tác đó với báo Mỹ lên đến 20,8 triệu USD tính từ năm 2017 qua 2018. Nhân dân nhật báo của Trung Quốc cũng trả tiền cho tờ Daily Mail (Anh) trong một thỏa thuận tương tự.
Tháng 9.2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải lên tiếng yêu cầu có biện pháp kiểm soát việc Trung Quốc xâm nhập vào báo Mỹ để tuyên truyền, vì ông Trump cho rằng thông qua đó, Bắc Kinh truyền đi những thông điệp sai trái.
Đó là chưa kể những đơn vị truyền thông của chính phủ Trung Quốc đã tiêu tốn hàng trăm triệu USD để mở văn phòng, tổ chức phát sóng truyền hình, mở rộng hoạt động khắp thế giới... Tất cả nằm trong một chiến lược mà Bắc Kinh theo đuổi suốt những năm qua.
Ngô Minh Trí (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm