Multimedia

Emagazine

Ấm no nhờ đổi nếp nghĩ, thay cách làm-Kỳ 2: Biết sợ nghèo để vươn lên

E-magazine Ấm no nhờ đổi nếp nghĩ, thay cách làm-Kỳ 2: Biết sợ nghèo để vươn lên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
 

Với vai trò là cơ quan thường trực triển khai thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã chủ động khảo sát thực trạng hộ nghèo; đồng thời tham mưu, đề xuất triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, tạo “điểm tựa” giúp bà con phát triển kinh tế, gầy dựng cuộc sống. 

Ở vùng “chảo lửa” Krông Pa, tỷ lệ hộ DTTS chiếm 65,7% tổng số hộ trên địa bàn. Theo thống kê mới nhất, tỷ lệ hộ nghèo DTTS chiếm 91,9% trong tổng số hộ nghèo toàn huyện. Theo đó, việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo được cấp ủy, chính quyền địa phương xem là nhiệm vụ cấp bách. Nhiều mô hình hỗ trợ phương tiện sinh kế đã được Mặt trận và đoàn thể các cấp triển khai, trao đến tận tay hộ nghèo, cận nghèo, như: hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản ở buôn Dù (xã Ia Mlah); hỗ trợ phân bón phát triển sản xuất cho người dân buôn Prong (xã Ia Mlah), buôn Ma Rok (xã Chư Gu); hỗ trợ giúp trồng mì cao sản và nuôi bò sinh sản ở xã Phú Cần và Chư Drăng...

 

Sau 2 năm được hỗ trợ bò sinh sản, 8/10 hộ dân ở buôn Dù đã vươn lên thoát nghèo. Anh Rah Lan Hoa chia sẻ: Vợ chồng anh không có đất sản xuất nên phải làm thuê, làm mướn đủ nghề để nuôi 2 con. Tiền làm thuê cũng chỉ đủ chi tiêu hàng ngày; vì vậy, mỗi khi con cái đau ốm, anh đều phải vay mượn người thân, họ hàng. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình anh, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã hỗ trợ 1 con bò giống. “Con bò hiện đã sinh được 2 con bê. Vợ chồng mình cũng dành dụm, tích góp mua thêm được 3 con bò và không còn nghèo nữa”-anh Hoa tâm sự.

 

Sở dĩ, chị Dách tự tin như thế là bởi chị đã và đang mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo. Năm 2014, vợ chồng chị Dách dọn ra ở riêng và được bố mẹ chia cho 2 sào đất. Quanh năm, suốt tháng trên rẫy mì, rồi làm thuê, làm mướn nhưng cuộc sống vẫn không thoát khỏi cảnh thiếu trước, hụt sau. Năm 2018, chị Dách được địa phương hỗ trợ 1 con bò sinh sản; các hội, đoàn thể giúp đỡ làm chuồng, hướng dẫn cách chăm sóc và tạo điều kiện để gia đình tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội 40 triệu đồng, mua 1 cặp dê sinh sản và 2 sào đất trồng cỏ. Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi và không ngừng nỗ lực, kinh tế gia đình chị ngày một cải thiện. Năm 2020, chị Dách đã làm đơn gửi UBND xã xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Hiện gia đình chị đang có 1 ha cây keo lai; nuôi 5 con bò, 11 con dê; thu nhập bình quân đạt trên 150 triệu đồng/năm.

Tại xã Ia Boòng (huyện Chư Prông), từ năm 2011 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã phối hợp với các cấp, các ngành liên quan tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ 8.000 cây giống cho người dân làng Gà và Klũh Klăh; phối hợp xây dựng mô hình sản xuất lúa nước vụ mùa 2021 trên diện tích 7 ha tại làng Klũh Klăh với 61 hộ dân tham gia; phối hợp với Hội Nông dân xã xây dựng, duy trì mô hình chăn nuôi bò, dê sinh sản cho các hộ DTTS nghèo, cận nghèo. “Các hộ dân tham gia mô hình đều rất phấn khởi vì năng suất, hiệu quả cao. Các mô hình thu hút nhiều hộ dân ở các xã lân cận đến tham quan, học tập”-ông Kpă Ba-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Boòng-thông tin.

 

Sau vài năm chuyển đổi 1,7 ha đất trồng mì, trồng lúa 1 vụ sang trồng cây cà phê, gia đình anh Siu Nhoem đã có tên trong danh sách hộ thu nhập khá, giàu của làng Klũh Klăh. “Nghe cán bộ phân tích có lý nên tôi chuyển đổi từ trồng lúa 1 vụ sang trồng cây cà phê. 1 ha nếu chăm sóc tốt, bán được giá sẽ có vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Có tiền, con cái sẽ có cuộc sống đầy đủ hơn”-anh Nhoem lý giải về sự chuyển biến trong cách làm của gia đình. Anh còn học hỏi cách chăm sóc, bón phân, tỉa cành, tưới nước... và ủ phân từ vỏ cà phê để giảm chi phí đầu tư. Hiện vợ chồng anh đã mua thêm 7 sào đất trồng điều; thu nhập bình quân đạt gần 300 triệu đồng/năm.

 

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu Hội Nông dân tỉnh gắn cuộc vận động với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo chính đáng”; Hội Cựu chiến binh tỉnh gắn với phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”, “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” thì các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm cụ thể hóa cuộc vận động, trong đó nổi bật là phong trào “Hộ hội viên DTTS thay đổi nếp nghĩ thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu vươn lên thoát nghèo bền vững”. 

 

Đồng thời, vận động, hướng dẫn thành lập được 245 câu lạc bộ “Phụ nữ DTTS tiết kiệm 5-10 triệu đồng” với 4.982 thành viên, tiết kiệm được gần 20 tỷ đồng. Qua 3 năm (2018-2021) thực hiện, phong trào đã giúp 1.883 hộ hội viên DTTS thoát nghèo.

Bên cạnh đó, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh cũng thành lập nhiều mô hình, câu lạc bộ như: “Tiết kiệm trong ma chay, cưới hỏi”, “Nói không với tín dụng đen”, “Nói không với nạn tảo hôn”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “3 biết 2 hỗ trợ”... thu hút đông đảo hội viên tham gia. Chị H’Than (làng Ia Lang, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) kể: Năm 2016, trong khi sửa nhà, chồng chị bị chấn thương cột sống, cuộc sống rơi vào khó khăn. Nhờ Hội Liên hiệp phụ nữ phường hỗ trợ 1 con bò giống; cùng với việc mạnh dạn chuyển đổi gần 1 sào đất ruộng sang trồng rau xanh, kinh tế gia đình chị cải thiện thấy rõ. “Mình trồng rau và đem ra chợ bán, mỗi tháng thu 2-3 triệu đồng. Mình mới vay 30 triệu đồng, mua thêm 2 con bò và 1 sào đất ruộng gần nhà tiếp tục mở rộng diện tích trồng rau”-chị H’Than chia sẻ.

 

Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh cũng gắn cuộc vận động với triển khai thực hiện mô hình làng thanh niên “2 không, 2 có” nhằm góp phần xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS. Mô hình hướng đến các mục tiêu: có đội, nhóm thanh niên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; có mô hình thanh niên phát triển kinh tế; không có thanh niên thất nghiệp; không để xảy ra trọng án, tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên được kiềm chế so với năm trước.

 

Năm 2019, làng Trớ (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) được Hội LHTN Việt Nam tỉnh chọn để xây dựng mô hình cấp tỉnh. Khi triển khai, làng Trớ chỉ mới đạt tiêu chí có đội, nhóm thanh niên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Theo đó, Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho thanh niên và Nhân dân; đồng thời, trao tặng mô hình sinh kế và kiểm tra nhu cầu vay vốn của thanh niên trong làng để có hướng giúp đỡ.

Cùng với đó, tổ chức Hội các cấp thường xuyên phối hợp với lực lượng Công an, Quân đội trên địa bàn tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật cho thanh niên, nhờ thế trong làng không xảy ra trọng án, tội phạm và tệ nạn giảm hẳn. Anh Kpă Tô Nit cho biết: “Gia đình mình có 200 cây điều. Năm 2020, Hội LHTN Việt Nam tỉnh hỗ trợ 100 cây mít Thái, mình cũng đã vay Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện 30 triệu đồng để đầu tư phân bón, chăm sóc cây trồng. Được đội hình trí thức trẻ tình nguyện của tỉnh về hướng dẫn kỹ thuật, vườn cây của gia đình hiện phát triển tốt”.

 

 

Có thể bạn quan tâm