Tin tức

Ấn Độ tham vọng trở thành nền kinh tế 5.000 tỷ USD trong 5 năm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Một ngày sau khi Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman trình bày kế hoạch Ngân sách 2019, Thủ tướng Narendra Modi đã vạch ra con đường để Ấn Độ có thể trở thành nền kinh tế 5.000 tỷ USD.
 
Thủ tướng Modi tham gia chiến dịch Swacch Bharat giữ gìn vệ sinh đường phố cùng người dân. Ảnh: Reuters
Báo India Today dẫn lời Thủ tướng Modi trong bài phát biểu gửi tới nhóm công nhân theo đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) tại Varanasi: “Mỗi người dân đều là một cổ đông của đất nước”.
Nhà lãnh đạo nhấn mạnh việc mỗi người dân hiểu mục tiêu nền kinh tế 5.000 tỷ USD của Ấn Độ là rất quan trọng.
Thủ tướng Modi khẳng định: “Quan trọng là phải biết về kế hoạch đó vì sẽ có những người nghi ngờ khả năng của người dân Ấn Độ. Họ nói rất khó để Ấn Độ đạt được mục tiêu như vậy. Tuy nhiên, đó chỉ là vấn đề dấn thân, về cơ hội mới, về ngọn lửa phát triển và giấc mơ về Ấn Độ Mới. Những giấc mơ này có liên quan mật thiết với mục tiêu kinh tế 5.000 tỷ USD”.
Thủ tướng Narendra Modi cho biết các nước phát triển cũng từng là các quốc gia đang phát triển. "Ngày nay, nhìn vào lịch sử phần lớn các nước phát triển, có thời điểm thu nhập bình quân đầu người không cao. Nhưng có lúc thu nhập bình quân đầu người tại các quốc gia này tăng nhanh trong một thời gian ngắn. Đây là thời điểm khi các quốc gia này chuyển mình từ các nước đang phát triển sang nhóm các nước phát triển ", Thủ tướng Narendra Modi cho hay.
Nhà lãnh đạo giải thích việc tăng thu nhập bình quân đầu người đem lại lợi ích cho người dân ra sao và điều đó sẽ giúp gì cho quốc gia: "Khi thu nhập bình quân đầu người tăng ở bất kỳ quốc gia nào, điều đó sẽ làm tăng sức mua. Khi sức mua tăng, nhu cầu tăng. Khi nhu cầu tăng, sản xuất tăng, dịch vụ tăng. Thu nhập bình quân đầu người tăng thì khoản tiết kiệm trong gia đình cũng tăng theo".
Đề cao chiến dịch Swacch Bharat (một chiến dịch toàn quốc ở Ấn Độ trong giai đoạn 2014-2019 nhằm mục đích làm sạch đường phố, đường sá và cơ sở hạ tầng của các thành phố, thị trấn và khu vực nông thôn của Ấn Độ), Thủ tướng Modi cho biết một Ấn Độ sạch đẹp sẽ giúp đất nước này dễ dàng trở thành nền kinh tế trị giá 5.000 tỷ USD.
Ông nói: "Chúng ta cũng đang tập trung vào việc xây dựng một Ấn Độ sạch đẹp, lành mạnh để hành trình hướng tới nền kinh tế 5.000 tỷ USD trở nên dễ dàng hơn. Mỗi người dân đều có trách nhiệm đóng góp, xây dựng một Ấn Độ sạch đẹp, lành mạnh”.
 
Nông dân Ấn Độ sẽ trở thành những nhà xuất khẩu. Ảnh: Reuters
Nông nghiệp vẫn luôn là ngành chủ đạo của nền kinh tế Ấn Độ xét về đóng góp trong GDP cũng như vai trò tạo việc làm cho hàng triệu người trên khắp đất nước. Nhắm đến đối tượng người nông dân, Thủ tướng Modi thông báo chính phủ có kế hoạch lớn hơn cho bộ phận người này.
Ông nhấn mạnh chính phủ đang muốn thúc đẩy người nông dân để họ có thể trở thành những nhà xuất khẩu thay vì chỉ sản xuất đơn thuần. Ông nói: "Chúng ta có tiềm năng xuất khẩu thực phẩm, sữa, rau, mật ong hoặc các sản phẩm hữu cơ. Do đó, ngân sách đặc biệt chú trọng vào việc tạo môi trường để xuất khẩu nông sản”.
Trong lần giới thiệu gói ngân sách đầu tiên, Bộ trưởng Tài chính Sitharaman cho biết chính phủ có kế hoạch đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng nông nghiệp, tìm kiếm sự hỗ trợ từ doanh nghiệp tư nhân để gia tăng giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là trong ngành chế biến thực phẩm.
 
Đường sắt trên cao tại Ấn Độ. Ảnh: HT
Đề cập đến vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng, Thủ tướng Narendra Modi nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lĩnh vực này.
Thủ tướng Modi nêu ví dụ cụ thể về các tuyến đường cao tốc, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, kỹ thuật số, băng thông rộng về tận vùng nông thôn sẽ hoạt động trong 5 năm tới: "Chúng ta đang xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu theo yêu cầu của thế kỷ 21. Từ cơ sở lưu trữ sản phẩm trong xóm làng đến các công trình hiện đại ở các thành phố. Chúng ta đang nỗ lực ở mọi cấp”.
Hồng Hạnh (Báo Tin tức)

Có thể bạn quan tâm