Nhưng, chỉ 1 "lỗ hổng" nhỏ về ý thức, tai họa có thể ập đến, mang đến nỗi đau tột cùng cho nhiều người lao động và gia đình họ.
Các quy trình, biện pháp an toàn lao động cần được xây dựng phù hợp với đặc thù của từng doanh nghiệp |
Thời gian gần đây, dư luận không khỏi xót xa, day dứt khi liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng, khiến nhiều người thương vong.
Vào ngày 3/4/2024, vụ cháy khí metan trong hầm lò ở Quảng Ninh đã làm 4 công nhân chết. Ngày 9/4, vụ nổ tại cụm công nghiệp Phú Lâm, tỉnh Bắc Ninh làm 1 người chết, 2 người bị thương. Tiếp đó là vụ tai nạn lao động tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái làm chết 7 công nhân và 3 người bị thương. Và gần nhất là vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng tại nhà máy gỗ tỉnh Đồng Nai khiến 6 người chết và nhiều người bị thương.
Thực tế cho thấy, dù đã có nhiều bài học đắt giá trong việc phải tuân thủ cũng như tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động nhưng đến nay câu chuyện về đảm bảo an toàn lao động vẫn chưa thực sự được người sử dụng lao động và người lao động chú trọng. Phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn, cơ quan chức năng nhận thấy nguyên nhân chủ quan chiếm phần lớn, lên tới 73%. Những nguyên nhân này bắt nguồn từ sự coi nhẹ, làm việc qua loa, sơ sài, không tuân thủ quy trình, quy định, chủ quan, thiếu trách nhiệm.
Ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động, từ những nhà máy, xí nghiệp lớn đến những xưởng sản xuất nhỏ lẻ, nếu có "khoảng trống" về ý thức, trách nhiệm, chủ quan, lơ là...
Thường xuyên đi khảo sát, kiểm tra các công trường xây dựng trọng điểm của đất nước, nhất là vào dịp cuối tuần, ngày nghỉ, ngày lễ, Thủ tướng Chính phủ đều nhắc nhở chủ dự án, công nhân về việc hết sức chú ý, bảo đảm an toàn lao động. An toàn tính mạng cho người lao động là quan trọng nhất. Bên cạnh phát huy tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "tăng ca, tăng kíp", thì cần chú ý đến nâng cao chất lượng, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh môi trường cho dự án...
Trong các Công điện được ban hành sau các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, Thủ tướng Chính phủ đều yêu cầu khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật, không để xảy ra các vụ tai nạn tương tự…
Chúng ta có thể giảm tai nạn lao động khi ý thức được đầy đủ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác thanh, kiểm tra. Phải có chế tài mạnh, xử lý nghiêm thì mới đủ sức "cảnh tỉnh" để tránh những nỗi đau khôn nguôi do tai nạn lao động.
Không ai dám chắc rằng sẽ có những giải pháp 100% không để xảy ra tai nạn lao động. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận ra rằng ý thức cảnh giác đối với công tác an toàn lao động là vấn đề rất quan trọng, càng cẩn thận bao nhiêu thì tai nạn càng ít bấy nhiêu. Khi tai nạn lao động giảm xuống mức thấp nhất thì có nghĩa là chất lượng cuộc sống của người lao động được nâng cao.
Chỉ cần vài giây bất cẩn, sơ sẩy trong đảm bảo an toàn lao động đều có thể phải trả giá rất đắt. Đừng lơ là, mất cảnh giác, đừng để thiệt hại xảy ra rồi mới "thực hiện đúng quy trình".
Phải bịt lại "lỗ hổng" về ý thức trong công tác bảo đảm an toàn lao động, để người lao động mỗi ngày đi làm là một ngày bình an trở về.