Tin tức

Bà Aung San Suu Kyi dính cáo buộc mới từ cảnh sát Myanmar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cảnh sát Myanmar cáo buộc Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi nhập khẩu thiết bị liên lạc trái phép và bà sẽ bị giam giữ cho đến ngày 15-2 để điều tra.

Reuters đưa tin cảnh sát đã gửi yêu cầu cho toà án, trình bày chi tiết những cáo buộc chống lại bà Suu Kyi, 75 tuổi. Theo đó, họ tìm thấy một số chiếc bộ đàm trong một cuộc khám xét nhà của bà Suu Kyi ở thủ đô Naypyidaw. Chúng được cho là bị nhập khẩu bất hợp pháp và sử dụng mà không được phép.

Cảnh sát cũng đề nghị giam giữ bà Suu Kyi để "thẩm vấn nhân chứng, yêu cầu bằng chứng và tìm kiếm cố vấn pháp lý sau khi thẩm vấn bị cáo".

Từ năm 1989-2010, bà Suu Kyi phải chịu 15 năm quản thúc tại gia khi lãnh đạo phong trào dân chủ của đất nước.

 

Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi. Ảnh: Reuters
Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi. Ảnh: Reuters


Một tài liệu riêng cho thấy cảnh sát còn đưa ra cáo buộc chống lại Tổng thống Win Myint vì các tội danh dựa trên Luật Quản lý Thiên tai.

Reuters không liên lạc được với cảnh sát, chính phủ hoặc tòa án Myanmar để xác định thông tin trên.

Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền trước đó cho biết các văn phòng của họ bị đột kích ở một số khu vực. NLD kêu gọi nhà chức trách ngăn chặn "hành vi trái pháp luật sau chiến thắng của đảng này trong cuộc bầu cử ngày 8-11-2020".

 

 Cảnh sát Myanmar canh giữ lối vào Quốc hội ở thủ đô Naypyidaw. Ảnh: Reuters
Cảnh sát Myanmar canh giữ lối vào Quốc hội ở thủ đô Naypyidaw. Ảnh: Reuters


Sau cuộc đảo chính của quân đội đầu tuần này, Tổng Tư lệnh Min Aung Hlaing tạm thời lên nắm quyền với lý do cuộc bầu cử năm ngoái xảy ra gian lận. Tuy nhiên, Ủy ban Bầu cử Myanmar khẳng định quá trình bỏ phiếu diễn ra công bằng.

Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) ngày 3-2 lên án cuộc đảo chính ở Myanmar và kêu gọi các bên tôn trọng kết quả bầu cử. G7 tuyên bố: "Chúng tôi kêu gọi quân đội Myanmar chấm dứt ngay tình trạng khẩn cấp, khôi phục quyền lực cho chính phủ được bầu một cách dân chủ, trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ bất hợp pháp, tôn trọng nhân quyền và pháp quyền".

Quân đội Myanmar giành chính quyền vào ngày 1-2, bắt giữ bà Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các lãnh đạo NLD khác. Cuộc đảo chính bị Mỹ và nhiều nước phương Tây phản đối. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với giới lãnh đạo quân đội Myanmar.

Theo Phạm Nghĩa (NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm