Mỹ có thể đưa ra phương án đe dọa khai trừ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi NATO và cấm vận về kinh tế.
Ngày 14/7, Hãng thông tấn Mỹ Bloomberg dẫn các nguồn quen thuộc với tình hình chính giới Hoa Kỳ thông báo, Washington có thể áp đặt lệnh trừng phạt chống Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tuần tới, ngày 19 tháng 7, vì Ankara mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph của Nga.
Nguồn tin thông báo rằng, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xác định được một loạt biện pháp hạn chế để gây ảnh hưởng tối đa đến Ankara. Các quan chức lựa chọn từ ba phương án tiềm năng có mức độ tác động khác nhau. Tuy nhiên, nguồn tin không nói rõ đó là những hạn chế nào.
Hiện nay, kế hoạch tung ra đòn trừng phạt đã được xác định và chỉ cần được sự chấp thuận của ông Trump và các cố vấn thân cận nhất của Tổng thống là sẽ được ban hành.
Người cung cấp tin lưu ý rằng, Hoa Kỳ muốn lùi lại thời điểm công bố trừng phạt, vì vào thứ Hai - ngày 15 tháng 7 sẽ là kỷ niệm hai năm kể từ ngày cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ và nỗ lực lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan bất thành.
Nếu phía Mỹ áp đặt hạn chế đúng vào chu niên sự kiện này, có thể sẽ tạo khả năng để Ankara một lần nữa cáo buộc Hoa Kỳ dính líu đến vụ việc. Do đó, giới chức Mỹ đã quyết định sẽ lùi thời điểm công bố áp đặt lệnh trừng phạt tới ngày 19 tháng 7.
Được biết, bất chấp những đe dọa của Mỹ, việc chuyển giao những tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumph đầu tiên đã bắt đầu vào ngày 12 tháng 7. Ba chiếc máy bay vận tải khổng lồ của Nga đã chở sang Thổ Nhĩ Kỳ một số thành phần của tổ hợp.
Hoa Kỳ và các nước NATO khác lo ngại rằng nếu Ankara sở hữu cả S-400 của Nga lẫn chiến đấu cơ F-35 thế hệ thứ năm của Mỹ thì radar của hệ thống Nga sẽ học được cách tính toán và theo dõi những máy bay này.
Trong bối cảnh đó, ngày 28 tháng 6, Thượng viện Hoa Kỳ đã cấm bán F-35 cho Ankara. Sau đó, phía Thổ Nhĩ Kỳ giải thích với Lầu Năm Góc rằng quyết định mua các hệ thống phòng không của Nga gắn với mối đe dọa nghiêm trọng từ tên lửa và các loại vũ khí tấn công từ trên không đối với đất nước này.
Được biết, việc Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với những quốc gia mua vũ khí Nga như Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc xuất phát từ “Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt” (tiếng Anh: Countering America's Adversaries Through Sanctions Act, viết tắt là CAATSA (H.R. 3364).
Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm thực hiện thương vụ mua S-400 Triumph Nga |
Theo giới phân tích, Mỹ có thể trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ theo các phương án sau:
Thứ nhất là: Cấm bán các vũ khí, trang bị của Mỹ cho Thổ Nhĩ Kỳ, ví dụ như ngừng bàn giao cho nước này các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-35A Lightning II, mà Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng góp hàng tỷ USD cho quá trình phát triển trong khuôn khổ chương trình đa quốc gia về “Chế tạo máy bay chiến đấu liên hợp” (JFS).
Ngày 28 tháng 6, Thượng viện Hoa Kỳ đã cấm bán F-35 cho Ankara. Trước đó, vào đầu tháng 6, Mỹ cũng đã tạm ngừng huấn luyện các phi công nước này và ra điều kiện rằng, nếu Ankara vẫn quyết định mua S-400 Triumph của Nga, các phi công Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị đuổi về nước vào ngày 31/7.
Thứ hai là: Đình chỉ hợp tác quân sự giữa NATO và Thổ Nhĩ Kỳ, rút các lực lượng quân sự của khối này về nước hoặc di chuyển sang các nước khác.
Được biết, Mỹ từ lâu đã khảo sát các căn cứ quân sự ở các nước Trung Đông như Saudi Arabia, Qatar hoặc các quốc gia ven biển Địa Trung Hải như Hy Lạp và đảo Sip để tính đến phương án di chuyển lực lượng không quân NATO ra khỏi căn cứ Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, một số lực lượng NATO khác và những hệ thống phòng không Patriot của NATO cũng sẽ bị rút khỏi lãnh thổ nước này.
Thứ ba là: Khai trừ Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi NATO và áp đặt các biện pháp trừng phạt về kinh tế.
Dường như Mỹ cũng hiểu rằng, đến thời điểm này, chỉ có đe dọa áp đặt phương án 3 với kịch bản tồi twj nhất mới có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải “quay đầu” hủy bỏ hợp đồng mua S-400 Triumph Nga.
Tuy nhiên, nếu thực thi không khéo thì biện pháp này sẽ dẫn tới tình trạng “già néo đứt dây”, Ankara có thể bỏ luôn NATO và quay sang mua thêm các hệ thống vũ khí Nga khác, ví dụ như máy bay chiến đấu tàng hình Sukhoi Su-57 để thay thế cho F-35 Lightning II.
Do đó, trước mắt Mỹ sẽ áp dụng từng bước các biện pháp trừng phạt theo mức độ ảnh hưởng của nó và chỉ ra cho Thổ Nhĩ Kỳ thấy được những hậu quả lớn lao mà nước này phải gánh chịu nếu dám “trái lệnh” Mỹ, từ đó hủy bỏ hợp đồng với Nga.
Do đó, phương án thứ ba sẽ chỉ được áp dụng triệt để nếu những phương án trước đó không đạt được mục đích.
Huy Bình (Đất Việt)