Tin tức

Ba kịch bản quan hệ Nga-Mỹ: Đụng độ vũ trang?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vụ hải quân Mỹ phóng hàng loạt quả tên lửa vào căn cứ không quân của Syria đã đẩy quan hệ Nga-Mỹ vào những căng thẳng mới, kể cả nguy cơ chiến tranh.

Xe tăng Nga khai hỏa. Ảnh: Daily Tech.
Xe tăng Nga khai hỏa. Ảnh: Daily Tech.


Các chuyên gia Nga tin rằng cú tấn công bất ngờ của tên lửa Mỹ vào một căn cứ không quân của Syria sau cáo buộc về việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học, sẽ có tác động nghiêm trọng lên quan hệ Mỹ-Nga.

Các chuyên gia này đã đưa ra vài kịch bản khả dĩ xảy ra trong tương lai, trong đó kịch bản xấu nhất là cuộc đụng độ trực diện giữa quân Nga và Mỹ.

Kịch bản 1: Đụng độ vũ trang giữa Nga và Mỹ

Các chuyên gia Nga không loại trừ khả năng Moscow sẽ phản ứng lại cuộc tấn công của Washington nhằm vào đồng minh Syria của họ bằng một cuộc biểu dương sức mạnh quân sự. Alexei Fenenko, một chuyên gia tại Viện Các Vấn đề An ninh Quốc tế RAS nhận định: nếu Mỹ tiếp tục thực hiện một đòn tấn công nữa, Nga có thể quyết định bắn hạ một số tên lửa hành trình của Mỹ. Còn hiện giờ, Moscow sẽ gia tăng rõ nét các nỗ lực quân sự của họ ở Syria.

Mỹ đã lên kế hoạch phô diễn sức mạnh nhằm vào quân đội Syria từ năm 2013. Đấy là lý do vì sao cuộc tấn công vào sáng sớm ngày 7/4 lại được xem là sự khởi đầu một cuộc phiêu lưu quân sự của Mỹ ở nước ngoài.

Tuy nhiên, “sớm muộn gì logic đối đầu sẽ buộc Nga phải phản ứng bằng vũ lực”, Fenenko cho biết.

Ngoài ra, một cuộc xung đột có thể xảy ra giữa 2 cường quốc này không nhất thiết phải lên đến cấp độ của một vụ thảm sát hạt nhân. Kịch bản xung đột này có thể giống với các sự kiện xảy ra trong Nội chiến Tây Ban Nha trong giai đoạn 1936-1939, khi không quân Liên Xô đối đầu với lục quân phát xít Italy và Đức mà không chính thức tuyên chiến.

Đồng thời, Fenenko cảnh báo, chúng ta không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến tranh “ủy nhiệm” này. Quân đội hai phe luôn thủ sẵn quyền sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Kịch bản 2: Lảo đảo bên miệng vực

Các chuyên gia lưu ý rằng Mỹ thực hiện cuộc tấn công mà không hề tham vấn với Nga, và cũng không tính đến việc xem xét tác động có thể có từ việc ném bom này lên nội tình Syria và quan hệ trong tương lai giữa Washington và Moscow.

Dmitri Suslov, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Trường Kinh tế Cao cấp, cho biết cuộc tấn công này có nghĩa rằng đội ngũ của ông Donald Trump “sẽ tiến hành một chính sách đơn phương cứng rắn thông qua việc sử dụng sức mạnh quân sự bất chấp luật pháp quốc tế, mà về cơ bản trở thành một phiên bản nhẹ của chính quyền Bush con”.

Sau khi đột ngột thay đổi cách tiếp cận với Tổng thống Syria, Washington nhiều khả năng sẽ một lần nữa nỗ lực tìm cách lật đổ ông Assad.

Nga không có ý định chấp nhận lùi bước ở Syria - họ sẽ tăng cường hiện diện quân sự của mình tại đó.

Đáp lại, Mỹ ít có khả năng lui bước do mục tiêu chính của ông Trump hiện nay là “tỏ rõ không yếu mềm”.

Trong bối cảnh đó, một sự leo thang căng thẳng chính trị-quân sự nghiêm trọng trong quan hệ Nga-Mỹ ở Syria là rất dễ xảy ra.

Chuyên gia Suslov không loại trừ khả năng tình huống nói trên có thể dẫn tới “sự lặp lại căng thẳng” trong vụ Khủng hoảng Tên lửa Cuba vào 55 năm trước, khi Moscow triển khai tên lửa tới Cuba và hai siêu cường Mỹ và Liên Xô đứng bên bờ vực một cuộc chiến tranh hạt nhân. Khi ấy, hai bên tránh được chiến tranh do Moscow rút tên lửa khỏi “Hòn đảo Tự do”, còn Washington rút tên lửa khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

Kịch bản 3: Giải pháp ngoại giao

Tuy nhiên không phải chuyên gia nào cũng tin Nga đang chuẩn bị phản ứng quân sự trước Mỹ ở Syria.

Alexander Konovalov, Chủ tịch Viện Đánh giá Chiến lược độc lập, cho biết Moscow sẽ tự giới hạn bản thân vào những gì họ đã làm: rút khỏi bản ghi nhớ an toàn bay với quân đội Mỹ. Ông này nói, Nga sẽ không mở rộng hiện diện quân sự ở Syria bởi lẽ “Mỹ không kích hoạt một cuộc chiến ở Syria mà mới chỉ thực hiện một chiến dịch đơn lẻ”.

Trong bất cứ trường hợp nào, Nga sẽ ra lời kêu gọi các thể chế quốc tế, đưa vấn đề Mỹ gây hấn với Syria ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, và sẽ trao đổi với Washington về việc điều tra vụ sử dụng khí độc ở Syria. Tuy nhiên, vẫn còn một câu hỏi: Mỹ sẽ phản ứng ra sao trước các nỗ lực này của Nga?

Vladimir Sotnikov tại Viện Nghiên cứu Trung Đông RAS nhận xét rằng quan hệ giữa 2 nước hiện phụ thuộc vào chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tới Moscow. Sứ mệnh của ông này tại đó là rất quan trọng.

Sotnikov nói: “Một mặt, Tillerson sẽ phải giải thích quyết định của ông Trump (về vụ không kích căn cứ Syria); mặt khác, ông ấy sẽ phải duy trì quan hệ với Moscow”. Sotnikov nhấn mạnh rằng Mỹ cần Nga để giải quyết khủng hoảng Syria. Washington sẽ phải tìm tiếng nói chung với Moscow trong vấn đề Syria.

Theo VOV/RBTH

Có thể bạn quan tâm