Đại dịch Covid-19 là một phép thử cho sự chuyển đổi xu hướng nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Trong đó, bản báo cáo “Kỹ năng tương lai” Chính phủ Singapore vừa công bố, cho thấy con người hầu như không còn lựa chọn nào ưu việt hơn, cũng như không thể “sống sót” nay mai nếu không bắt đầu từ hôm nay với 3 nền kinh tế trọng tâm: kinh tế số (digital), kinh tế xanh (green), kinh tế chăm sóc sức khỏe (care).
Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng khá nhạy bén khi hầu hết đã “đọc vị” và đang từng bước tiệm cận - xúc tiến chuyển đổi theo xu hướng chung nói trên. Vấn đề là từ chủ trương, hoạch định thành chính sách thực thi đến lộ trình, cách thức triển khai và đo lường các bước hiệu quả trong thực tế, cần hơn nữa những bước đi mạnh mẽ, quyết liệt và thực chất.
Một trong những mục tiêu của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ TPHCM khóa XI (2020-2025) là xây dựng bước chuyển tiếp để đến năm 2030, TPHCM là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Trong các đề án thuộc chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và sản phẩm chủ lực TPHCM giai đoạn 2020-2025, có đề án nhằm phát triển chính sách hỗ trợ kinh tế chia sẻ, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn.
Qua gần 6 tháng “giao dịch” trong điều kiện giãn cách xã hội từ một phần đến toàn phần, có lúc giãn cách nghiêm ngặt, số khách hàng mới của giao thương điện tử - một nhánh của kinh tế số - đã tăng vọt, với hơn 8 triệu khách cộng với đà tăng mạnh về sức chi tiêu của nhóm khách hàng (internet) cũ đã mở ra một thị trường số dồi dào, đầy tiềm năng và lợi thế như Việt Nam, trong đó có TPHCM. Khi đã xác lập được thị phần khách hàng, nguồn cung ứng lẫn phương thức phục vụ hàng hóa cũng mạnh dạn đẩy mạnh sức đầu tư. Dự báo Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á về phát triển kinh tế số vào năm 2030 mà Google đưa ra (tháng 11-2021) là hoàn toàn có cơ sở thực tế.
Cũng chính vì trải qua, chứng nghiệm một thời điểm khốc liệt, khôn ngoan khi sớm nhận ra “con người sẽ chỉ có thể sống sót khi biết tôn trọng và khiêm nhường trước tự nhiên và sức tiến hóa của muôn loài” mà sớm hay muộn, nhanh hay chậm, trong quá trình sản xuất, tiêu dùng của cải vật chất, các mô thức kinh tế phải đi theo chu kỳ tuần hoàn xanh thì mới phát triển bền vững.
Chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn kết nối kinh tế xanh, kinh tế phát thải carbon thấp là xu thế tất yếu của toàn cầu. Đặt trong diễn biến đại dịch Covid-19, càng trở nên bức thiết khi thông qua nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các hoạt động như tái sử dụng tài nguyên và sản phẩm cũ đã trở thành một trong những tiêu chí được lựa chọn.
TPHCM chiếm 40% lượng điện tiêu thụ, cường độ phát thải ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Vậy, với xu hướng chuyển đổi tuần hoàn xanh, các giải pháp kinh tế buộc phải ưu tiên chọn lựa phát triển hệ thống năng lượng carbon thấp được xem là giải pháp cạnh tranh về mặt môi trường của thành phố.
Nếu nền kinh tế số đang tăng tốc dưới sự tiếp sức các sáng kiến Quốc gia thông minh, Chiến lược Trí tuệ nhân tạo quốc gia... đã tạo việc làm trên 23 lĩnh vực, được đề cập trong các Bản đồ Chuyển đổi công nghiệp - ITMs); nền kinh tế xanh gồm các doanh nghiệp đang tái cấu trúc cũng như sáng tạo các chức năng kinh doanh thân thiện hơn với môi trường, đã mang lại hơn 400 vị trí việc làm ở 17 lĩnh vực yêu cầu các kỹ năng xanh, từ sản xuất, thương mại và kết nối đến các lĩnh vực tài chính, khách sạn và môi trường xây dựng. Cho nên, sẽ hứa hẹn và đầy tính khả thi khi sự chuyển đổi sang xu hướng kinh tế mới lại làm gia tăng tỷ lệ có việc làm, có sức khỏe dài lâu, môi trường sinh dưỡng được đảm bảo “sạch”.
Bởi, trong cơn cuồng phong Covid-19, chúng ta đã nhận diện rõ khả năng dễ bị tổn thương, rủi ro, đổ vỡ của sức khỏe người dân nếu không có một “rào chắn” dịch tễ cơ sở vững mạnh cùng độ phủ của hệ thống y tế chăm sóc, điều trị rộng và sâu. Và đây, chính là “mảnh đất” của xu hướng kinh tế chăm sóc sức khỏe.
Nền kinh tế chăm sóc được thúc đẩy bởi dân số già, bao gồm các yêu cầu về chăm sóc, tương lai công việc và học tập. Chú trọng các nhu cầu tiềm năng này, xem đây là nguồn dữ liệu nhằm hình thành các mô hình chăm sóc sức khỏe mới, học tập và giảng dạy gắn liền với sự lành mạnh, nâng cao thể chất cùng trí tuệ cho người dân thành phố. Mạng lưới y tế cơ sở mà TPHCM nỗ lực tập trung củng cố, đầu tư cho giai đoạn hậu đại dịch không nằm ngoài mục tiêu trên.
TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ (SGGPO)