Tin tức

Bài học từ trận Trân Châu Cảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tuần qua, dư luận thế giới đề cập nhiều đến một sự kiện từng được xem là “cái gai” trong quan hệ Mỹ-Nhật suốt 75 năm qua: trận Trân Châu Cảng.

Xin tóm tắt diễn biến của trận chiến kinh hoàng này: Trân Châu Cảng được người Mỹ sử dụng làm căn cứ chỉ huy, hậu cần, là cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa các chiến hạm của Hạm đội Thái Bình Dương. Vào lúc 7 giờ 55 phút sáng 7-12-1941, khi lính Mỹ trong cảng đang ngủ say thì bất ngờ bị 374 chiếc máy bay Nhật tấn công. Cuộc tấn công kéo dài 90 phút đã khiến gần 2.400 binh sĩ và thủy thủ Mỹ bị thiệt mạng, hơn 1.000 người khác bị thương, 18 tàu chiến lớn bị đánh chìm và thiệt hại nặng, 232 máy bay chiến đấu của Mỹ đỗ tại sân bay bị phá hủy.

 

Ông Abe và ông Obama tại Hiroshima năm 2015.
Ông Abe và ông Obama tại Hiroshima năm 2015. Ảnh: Internet

Với thắng lợi tại Trân Châu Cảng, Hải quân Nhật đã loại ra khỏi vòng chiến đấu Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ trong nhiều tháng, tạo điều kiện thuận lợi cho quân đội Nhật đánh chiếm nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á và làm chủ vùng biển châu Á-Thái Bình Dương trong giai đoạn đầu của chiến tranh thế giới thứ II.

Về phía nước Mỹ hùng mạnh, đây là bài học xương máu về sự mất cảnh giác và những khiếm khuyết lớn trong hoạt động tình báo. Đến mức Tổng thống Franklin D. Roosevelt khi đó gọi ngày 7-12-1941 là “ngày ô nhục” và khiến Hoa Kỳ buộc phải tuyên chiến với Nhật Bản. Và, sau đó 4 năm, Mỹ đã ném 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki khiến hơn 140.000 người thiệt mạng. Dư luận xem đó là sự phục thù của Mỹ cho trận Trân Châu Cảng.

Trên thực tế, 2 hành động quân sự nói trên diễn ra vào hai thời điểm khác nhau, với mục đích không giống nhau. Tuy nhiên, cả 2 giống nhau ở chỗ là tàn sát hàng vạn người, trong đó có rất nhiều sinh linh vô tội. Trân Châu Cảng-viên ngọc trên quần đảo Hawaii-bị tàn phá nặng nề. Đổi lại, 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki của nước Nhật bị bom nguyên tử san phẳng mà đến nay vẫn còn di chứng.

Trong một thời gian dài, 2 sự kiện đẫm máu trên là bức tường ngăn cách trong quan hệ Mỹ-Nhật kể từ sau Thế chiến thứ hai. Nhận thức được điều đó, trong mối quan hệ đồng minh thân cận, cả Mỹ và Nhật đều có những bước đi nhằm xoa dịu nỗi đau trên “cơ thể” của hai dân tộc. Tháng 5-2015, trong chuyến thăm Nhật Bản, ông Barack Obama trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên đến đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm các nạn nhân Nhật Bản trong vụ ném bom nguyên tử của Mỹ xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki cách đây 71 năm.

Đáp lại, vào ngày 26 và 27-12-2016, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ thăm Trân Châu Cảng cùng Tổng thống Barack Obama để “an ủi linh hồn” những người đã mất trong cuộc tập kích bất ngờ của phát xít Nhật vào Hải quân Mỹ cách đây 75 năm.

Giờ đây, Trân Châu Cảng đã được phục hồi, 2 thành phố xinh đẹp của Nhật Bản đã được tái thiết. Tuy nhiên, bài học xương máu rút ra từ cuộc chiến đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại vẫn còn nguyên giá trị.

Duy Lê

Có thể bạn quan tâm