Thời sự - Bình luận

Bài toán khó của Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Muốn tránh tình trạng cả vạn nhân viên y tế chuyển việc, bỏ việc vì lương quá thấp… thì phải tăng thu. Nhưng tỉ lệ chi tiền túi của dân đang ở mức chi phí cao cần nhanh chóng giảm xuống. Bài toán rất nan giải của ngành y tế.
 

Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan thăm hỏi bệnh nhân ở Bệnh viện Mạch Mai - bệnh viện vừa xin dừng tự chủ. Ảnh: Trần Minh


Chi phí y tế từ tiền túi hộ gia đình “Vẫn ở mức cao”-  nhìn nhận của Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan.

Nhưng “cao”, là một từ ngữ định tính, chưa mô tả chính xác chi phí rất lớn này.

Bởi tỉ lệ chi trả từ tiền túi người dân “hơn 40%”, chính xác là 43%- đang cao từ 2-2,5 lần so với các nước phát triển, so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)

Tháng 4 năm ngoái, bà Nguyễn Kim Phương, một chuyên gia của WHO cho biết: Gần 10 năm, tỉ lệ chi trả chi phí y tế từ tiền túi của dân vào khoảng 49%, khi đó chỉ có hơn 50% dân số tham gia BHYT. Nhưng khi tỉ lệ phủ BHYT lên 90% tỉ lệ chi trả từ tiền túi hộ gia đình vẫn ở mức rất cao, từ 43-45%.

Bằng hoặc lớn hơn 40% khả năng chi trả của hộ gia đình thì theo WHO, đó là "chi phí y tế mang tính thảm họa".

Người dân chi tiền túi rất nhiều, đến mức “thảm hoạ”, chi tiêu bình quân đầu người dành cho thuốc từ 37,97 USD (2015), đã lên 56 USD (2017) và duy trì ở mức tăng “ít nhất 14%/năm” cho tới năm 2025. Thế mà, vừa xong, con số cả vạn nhân viên y tế chuyển việc bỏ việc khi mà đồng lương không thể nuôi nổi họ và gia đình.

Chuyên gia WHO năm ngoái cũng lý giải một phần lý do rồi: “Có thể do việc chúng ta chưa sử dụng dịch vụ một cách hợp lý. Chẳng hạn, tiền thuốc 2019 đã giảm còn 34,7% so 53% năm 2015, nhưng các dịch vụ khác như chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, chi phí giường bệnh lại tăng hơn...

Cách đây 2 hôm, Bệnh viện Bạch Mai đã xin dừng thí điểm tự chủ. TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bạch Mai giải thích, rằng: Nguồn tài chính yếu tố quyết định đề án tự chủ toàn diện. Nhưng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế mới tính 4/7 yếu tố cấu thành giá.

Câu này, nếu nói thẳng thì cái giá khám chữa bệnh đó không thể giúp bệnh viện có nguồn thu, không nuôi nổi các y bác sĩ.

Nói thẳng là vì giá mà Bộ Y tế quy định không đúng với giá trị thực. Nó là giá giấy, giá lý thuyết, giá an sinh mà không một bệnh viện tự chủ theo mô hình kinh doanh nào có thể chịu nổi.

Nhưng sự thất bại của Bệnh viện Bạch Mai cũng đang đặt ra một bài toán quá khó.

Tạo cơ chế để bệnh viện có thể sống, nhân viên y tế có thể sống, trong khi phải giảm để tỉ lệ chi phí tiền túi của dân không ở mức thảm hoạ- nếu giải được bài toán ấy, nữ Bộ trưởng đáng để trao một giải thưởng xứng đáng.

 


https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/bai-toan-kho-cua-quyen-bo-truong-y-te-dao-hong-lan-1083218.ldo

Theo Đào Tuấn (LĐO)

 

Có thể bạn quan tâm