Bảo hiểm thất nghiệp- Quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động và doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau 7 tháng thực hiện chủ trương trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, dù tỉnh ta đã chuẩn bị khá kỹ về mọi mặt nhưng vẫn còn gặp khó khăn, đặc biệt là nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp. Phóng viên Báo Gia Lai ghi lại ý kiến về vấn đề này.

Ông Đoàn Ngô -Trưởng Phòng Chế độ, Bảo hiểm Xã hội tỉnh:
Bảo hiểm thất nghiệp- Quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động và doanh nghiệp ảnh 1
 
Bảo hiểm thất nghiệp là một loại hình bắt buộc, vì vậy tất cả các đơn vị sử dụng lao động đều phải tham gia (trừ chủ sử dụng lao động có sử dụng lao động dưới 10 người trở xuống không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp). Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 116/2003/NĐ-CP, ngày 10-10-2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong đơn vị sự nghiệp của nhà nước, bắt buộc tất cả các viên chức (kể cả người đứng đầu được bổ nhiệm) được tuyển dụng vào làm việc ở đơn vị sự nghiệp nhà nước đều phải thực hiện theo hình thức hợp đồng làm việc.
Như vậy, theo Điều 2 của Nghị định 127/2008/NĐ-CP ban hành ngày 12-12-2008 về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm Xã hội về bảo hiểm thất nghiệp thì tất cả cán bộ, công chức, người lao động trong đơn vị sự nghiệp nhà nước đều phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp. 

Bà Phạm Thị Oanh- Phó Trưởng phòng Tổ chức Lao động- Tiền lương Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê:
Bảo hiểm thất nghiệp- Quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động và doanh nghiệp ảnh 2
 
Sau khi được tham gia Hội nghị tập huấn các quy định về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, là người hàng ngày phải xử lý trực tiếp các văn bản, giấy tờ liên quan về bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tôi lại càng hiểu hơn ý nghĩa của chính sách này. Công ty chúng tôi hiện có trên 2.000 cán bộ, công nhân, lao động, với 5 nông trường, 2 xí nghiệp, 1 bệnh viện, 3 trạm xá và 3 nhà trẻ mẫu giáo mầm non. Hàng năm, Công ty luôn quan tâm thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ cho người lao động: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hộ lao động.
Với bảo hiểm thất nghiệp, do mới thực hiện từ đầu năm 2009, đồng thời từ năm 2010 mới bắt đầu chi trả trợ cấp cho người lao động nên chúng tôi vẫn còn nhiều lúng túng. Đặc biệt, khi lao động ở Công ty bị thôi việc, vấn đề phức tạp nhất là việc chốt sổ bảo hiểm xã hội; nếu chậm, người lao động sẽ bị thiệt thòi. Trong khi đó, quy định về thời gian đăng ký và nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp quá ngắn.

Chị Võ Thị Túy Vân- Kế toán, phụ trách lao động Công ty cổ phần Cơ giới và Xây lắp Gia Lai:
Bảo hiểm thất nghiệp- Quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động và doanh nghiệp ảnh 3
 
Tôi nhận thấy: Việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp sẽ rất thuận lợi cho doanh nghiệp. Tham gia bảo hiểm thất nghiệp, doanh nghiệp sẽ không phải trả cho người lao động một năm nửa tháng lương khi lao động bị mất việc làm, vì người lao động đã được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp. Ngoài ra, người lao động còn được Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh tư vấn học nghề miễn phí, hỗ trợ tìm việc làm mới và được Bảo hiểm Xã hội đóng tiền phí bảo hiểm y tế trong thời gian thất nghiệp.

Khác với bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chỉ có người lao động và người sử dụng lao động tham gia và có sự chia sẻ của nhà nước bằng việc hỗ trợ 1% quỹ tiền lương, tiền công hàng tháng, người lao động chỉ tham gia 1% lương tháng. So với bảo hiểm xã hội, chủ sử dụng lao động phải đóng 16% thì nghĩa vụ đóng góp của bảo hiểm thất nghiệp không lớn, doanh nghiệp chỉ trích 1% quỹ tiền  lương/tháng. 
Bạch Uyên

Có thể bạn quan tâm