Công tác tự kiểm tra phát hiện hành vi tham nhũng còn hạn chế

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ông Vương Hồng Quế
Ông Vương Hồng Quế
Những năm qua, công tác phòng- chống tham nhũng được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm thực hiện. Tuy vậy, quá trình triển khai thực hiện còn gặp khó khăn thách thức. Phóng viên Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn ông Vương Hồng Quế- Phó Trưởng ban kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng- chống tham nhũng (PCTN) tỉnh Gia Lai xung quanh vấn đề này.
* Xin ông cho biết kết quả thực hiện công tác PCTN của Gia Lai từ đầu năm đến nay?
- Ông Vương Hồng Quế: Trong 9 tháng năm 2011, công tác PCTN của tỉnh Gia Lai đã đạt được những kết quả bước đầu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Các cấp, các ngành trong tỉnh đã có nhiều cố gắng, quyết tâm trong tổ chức, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng ngừa tham nhũng. Công tác tuyên truyền, quán triệt pháp luật về PCTN được quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện thường xuyên theo kế hoạch. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai nghiêm túc, hiệu quả. Tỉnh đã chỉ đạo, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo phát sinh, nhất là đơn thư tố cáo có liên quan đến nhân sự ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, đề nghị xử lý nhiều vụ việc nổi cộm và một số vụ liên quan đến hành vi tham nhũng, tiêu cực. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được dư luận quan tâm đã có bước chuyển biến tích cực. Do làm tốt công tác phòng ngừa nên các vụ án tham nhũng phát sinh giảm và ít nghiêm trọng hơn so với cùng kỳ năm trước. Các vụ án tồn đọng được quan tâm giải quyết kịp thời.
* Ông quan tâm đến giải pháp PCTN nào nhất theo quy định của Luật PCTN?
- Ông Vương Hồng Quế:  Trong các giải pháp PCTN, việc phát hiện, xử lý các vụ việc nổi cộm và hành vi tham nhũng là quan trọng nhất. Có thể khẳng định rằng từ khi thành lập BCĐ tỉnh về PCTN đến nay, việc xử lý các vụ việc nổi cộm và các vụ án tham nhũng chủ yếu liên quan đến cán bộ cấp xã và cán bộ, trưởng- phó phòng cấp huyện. Riêng 9 tháng của năm 2011, BCĐ về PCTN tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt trong việc xử lý một số vụ việc liên quan đến công tác xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, nhà ở, các chương trình dự án, thu chi ngân sách, khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép, đấu thầu thuốc y tế, sập cầu Bung…
Qua xem xét, ngoài việc xử lý về hình sự, số còn lại đến nay các cơ quan có thẩm quyền đã xử lý kỷ luật đối với 2 giám đốc sở, 1 phó giám đốc sở, 1 phó chủ tịch UBND thành phố Pleiku và một số cán bộ thuộc thẩm quyền của huyện, xã. Ngoài ra, công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo kế hoạch được BCĐ hết sức quan tâm. Qua kiểm tra đã chấn chỉnh kịp thời những vướng mắc, tồn tại giúp các đơn vị đi vào hoạt động nền nếp.
* Triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trên địa bàn tỉnh có gặp khó khăn, vướng mắc gì không, thưa ông?
- Ông Vương Hồng Quế: Hiệu quả công tác PCTN thời gian qua vẫn còn thấp so với yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng chưa cao, có nơi còn có biểu hiện coi nhẹ.
Việc kê khai tài sản, thu nhập mới chỉ dừng ở việc kê khai, chưa có trường hợp nào xác minh phục vụ cho công tác bầu cử, bổ nhiệm. Công tác tự kiểm tra phát hiện hành vi tham nhũng tại đơn vị còn hạn chế, chủ yếu được phát hiện, phản ánh qua đơn thư tố cáo và qua hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng. Tiến độ điều tra một số vụ án tham nhũng và các vụ việc nổi cộm về kinh tế còn chậm do tính chất phức tạp, bên cạnh đó công tác giám định cũng là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ điều tra, gây bức xúc trong dư luận.
* Làm thế nào để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nói trên?
- Ông Vương Hồng quế: Trước hết, các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN. Trong đó chú trọng các giải pháp phòng ngừa tham nhũng thường xuyên và hiệu quả, tránh cách làm qua loa, hình thức, chiếu lệ. Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị định 68/2011/NĐ-CP ngày 8-8-2011 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37/2007/NĐ-CP ngày 9-3-2007 về kê khai, minh bạch tài sản.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng ngừa tham nhũng, nhất là công tác tự kiểm tra, phát hiện, ngăn ngừa, xử lý hành vi tham nhũng kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, góp phần thực hiện có hiệu quả công cuộc đấu tranh PCTN trong đó có sự tham gia giám sát của nhân dân, các tổ chức chính trị- xã hội đối với hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, tập trung giám sát các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, thu- chi ngân sách, quản lý, bảo vệ rừng...
* Xin cảm ơn ông.
Nguyễn Dung (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm