Văn hóa bản địa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) đã bước sang giai đoạn mới (2011-2015) với sự thay đổi, hoàn thiện một số tiêu chí, quy định công nhận danh hiệu văn hóa. Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông PHẠM VĂN AN- Thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) Trung ương phong trào TDĐKXDĐSVH về những nét mới trong giai đoạn tiếp theo của phong trào này.

 
- Ông cho biết những nét mới trong phong trào TDĐKXDĐSVH giai đoạn 2011-2015, định hướng 2020 so với giai đoạn trước?


Kế thừa những thành tựu của phong trào trong 10 năm triển khai cuộc vận động TDĐKXDĐSVH, tuy nhiên trong các văn bản chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, có quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận các danh hiệu văn hóa. 

Theo đó, thời gian tới sẽ tập trung vào một số nội dung trọng yếu như: Xây dựng con người về mặt tư tưởng, đạo đức, lối sống đáp ứng yêu cầu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng gia đình văn hóa bền vững để tạo ra tế bào góp phần phát triển xã hội; xây dựng các cộng đồng dân cư ở nông thôn có đời sống kinh tế phát triển, văn hóa tinh thần lành mạnh phong phú; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân; khai thác phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc để xây dựng các cộng đồng dân cư đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau.

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội là một trong những mục tiêu quan trọng trong xây dựng nếp sống văn minh. Tuy nhiên, mục tiêu này chưa đạt được kết quả như mong đợi. Vì thế, đây cũng là nội dung cần đặc biệt chú trọng trong giai đoạn này. Trước hết, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang phải gương mẫu trong thực hiện các quy định của Nhà nước; làm sao xây dựng nếp sống văn minh từ nông thôn đến thành thị lành mạnh, phong phú. Mục tiêu quan trọng nữa là xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa thể thao đồng bộ ở cơ sở, tạo điều kiện cho nhân dân hưởng thụ, tham gia các hoạt động và sáng tạo các giá trị văn hóa.

- Thành tựu trong 10 năm thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH có ý nghĩa như thế nào trong việc triển khai phong trào ở giai đoạn tiếp theo, thưa ông?

Phong trào TDĐKXDĐSVH đã triển khai hơn 10 năm, BCĐ cũng đã chỉ đạo tổng kết, đánh giá từ cấp cơ sở đến Trung ương về những thành tựu và tồn tại, rút ra bài học kinh nghiệm. Đây là cơ sở để BCĐ đưa ra phương hướng, nhiệm vụ phù hợp, sát với tình hình thực tế để triển khai có hiệu quả phong trào trong giai đoạn tiếp theo.
Thị trấn Kbang hôm nay. Ảnh: Minh Thi
Thị trấn Kbang hôm nay. Ảnh: Minh Thi
Vấn đề trọng tâm, then chốt mà BCĐ hướng tới trong giai đoạn đến là thống nhất phong trào và danh hiệu thi đua để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; tham mưu cho các cấp, các ngành, chính quyền hoàn thiện cơ chế quản lý phong trào, vừa đảm bảo sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, vừa phát huy xã hội hóa văn hóa; tập trung nâng cao chất lượng chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác tham gia và phát huy các tổ tự quản của cộng đồng dân cư tạo cho phong trào những bước phát triển mới.   

- Theo ông, Gia Lai cần chú trọng vấn đề gì trong quá trình triển khai phong trào TDĐKXDĐSVH trong giai đoạn 2011-2015?

Gia Lai là tỉnh có có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số khá đông, còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa độc đáo. Đây chính là thế mạnh trong việc triển khai phong trào TDĐKXDĐSVH. Gìn giữ, phát huy những giá trị này chính là góp phần thúc đẩy phong trào TDĐKXDĐSVH đi vào chiều sâu, giúp người dân hiểu được vai trò của văn hóa đối với sự phát triển. Gia Lai cần triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
Đồng thời, cần quan tâm đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, góp phần giảm bớt sự chênh lệch mức hưởng thụ văn hóa giữa miền xuôi và miền núi; đặc biệt cần bài trừ, khắc phục những hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội, hướng tới những nghi lễ văn minh, phù hợp với cuộc sống. Thông qua phong trào TDĐKXDĐSVH, góp phần đẩy mạnh việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của người bản địa ở Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng.

- Cảm ơn ông!

Hoàng Ngọc (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm