Nhà văn Nguyễn Khắc Trường |
* Ông có sáng tác nào về vùng đất Gia Lai chưa ạ?
- Năm 1986 tôi có viết bút ký “Gặp lại Anh hùng Núp”, bút ký này đã được giải nhất cuộc thi bút ký của Đài Tiếng nói Việt Nam và Báo Văn Nghệ tổ chức. Đấy là lần đầu tiên tôi tới Gia Lai và gặp ông Núp trong một cuộc tình cờ, ông đã cuốn hút tôi, người mà tôi yêu mến, kính trọng từ thuở ấu thơ khi học bài “Bắn Pháp chảy máu”.
* Ông có quan tâm đến văn xuôi Gia Lai và Tây Nguyên hiện nay?
- Tôi đã chơi với các nhà thơ Văn Công Hùng, nhà văn Chử Anh Đào, Thu Loan, Phạm Đức Long từ nhiều năm nay và luôn đọc các sáng tác của họ cùng nhiều người khác nữa bên Đak Lak. Rất mong có thêm những cây bút tiểu thuyết, thể loại có sức chứa, sức khái quát sâu sắc về Tây Nguyên.
* Là người biên tập lâu năm, ông có nhận xét gì về văn xuôi nước ta bây giờ?
- Văn xuôi của ta đang có một đội ngũ đông đảo, đã làm nên một cái đế vững cho văn học. Những tác giả mới và trẻ liên tục xuất hiện, phong cách cũng đa dạng hơn trước rất nhiều. Các tác giả ham tìm tòi như hiện đại và hậu hiện đại, trong khi các tác giả từ 60 tuổi trở lên lại quan tâm đến các vấn đề đặt ra trong tiểu thuyết, sao cho văn học không xa lạ với đời sống và có sức khái quát cao. Nhưng cái đích ấy đã tới chưa? Xem ra vẫn còn một khoảng cách không nhỏ!
* Thần tượng của ông là ai?
- Trên tủ sách của tôi có treo ảnh Sôlôkhốp và Nam Cao. Với tiểu thuyết “Sông Đông êm đềm” và những truyện ngắn của Nam Cao tôi thấy chưa hề cũ, còn học được dài dài.
* Như ông nói, một nhà văn sẽ rất thiệt thòi khi không biết ngoại ngữ, vì sao thưa ông?
- Ngoại ngữ như một cánh cửa đưa người ta tới những chân trời mới. Thêm một văn tự khác nữa là thêm một nền văn hóa khác nữa được nạp vào mình. Lúc ấy tầm nhìn, tầm suy nghĩ sẽ rất khác, viết sẽ rất khác.
* “Nông nghiệp, nông thôn và nông dân” là đề tài nhà văn lao tâm khổ tứ và “Mảnh đất lắm người nhiều ma” là một thành công, thưa ông?
- Thôi thì mỗi người đóng góp một chút cho văn học. Tiếc rằng tôi đã ngoài 60 tuổi và bệnh tật đã bắt đầu níu kéo, không còn đủ sức đi thực tế dài dài và tới những nơi gian khổ để tìm hiểu đời sống và viết những trang văn nóng hổi về cuộc đời. Lực bất tòng tâm là thế.
* Ông có thể nói thêm về cuốn tiểu thuyết này không?
- Cuốn sách ấy đã lùi vào kỷ niệm rồi, không có gì để nói nữa, mặc dù gần đây nó vẫn được tái bản. Cách đây vài năm tôi có viết một quyển khác và đã in 100 trang trên Tạp chí Nhà văn, nhưng vẫn chưa xong. Văn chương đối với tôi bao giờ cũng khó.
* Ông có lời khuyên gì với những người viết trẻ không ạ?
- Làm được gì thì làm luôn đi. Đừng chờ đợi. Đừng nghe người ta hù “gừng càng già càng cay”, không có đâu. Già là hết duyên rồi. Hết duyên thì cũng hết văn luôn, tự mình chán cả mình “hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng”!
* Xin trân trọng cảm ơn nhà văn về cuộc trò chuyện này.
Hoàng Thanh Hương (thực hiện)