“Cần tạo môi trường thuận lợi cho những người làm nghiên cứu khoa học”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giáo sư Phạm Quang Hưng
Giáo sư Phạm Quang Hưng
Chỉ cách đây ít ngày, lần đầu tiên Trường nghiên cứu cao cấp về Vật lý hạt và Vũ trụ học BCVSPIN được tổ chức tại Việt Nam nhờ vai trò quan trọng của Giáo sư Phạm Quang Hưng, Đại học Virginia (Hoa Kỳ), đồng thời là Giáo sư Danh dự của Đại học Huế. Nhân sự kiện này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn thú vị với Giáo sư Phạm Quang Hưng, Giám đốc Khóa học chuyên sâu về Vật lý hạt và Vũ trụ học 2011 BCVSPIN lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam.
   
* Chào Giáo sư Phạm Quang Hưng! Việc tổ chức Trường nghiên cứu cao cấp về Vật lý hạt và Vũ trụ học BCVSPIN tại Việt Nam lần này có sự đóng góp rất lớn của ông. Vì sao ông lại quyết định đưa trường vật lý về tổ chức Việt Nam mà cụ thể là tại Huế?
Vì tôi thấy sự đóng góp của các đồng nghiệp ở Huế rất quan trọng cho hội nghị thành công. Trong nhưng năm qua, tôi đã có kinh nghiệm về chương trình vật lý tiên tiến (Giáo sư Phạm Quang Hưng là người đặt viên gạch đầu tiên và đã có nhiều tâm huyết, đóng góp rất quan trọng đối với chương trình Vật lý tiên tiến tổ chức tại Trường đại học Sư phạm- Đại học Huế- PV) và tôi cảm thấy Huế là nơi thuận tiện nhất để tổ chức Trường nghiên cứu cao cấp về Vật lý hạt và Vũ trụ học BCVSPIN tại Việt Nam.
Lúc Đại học Virginia hỏi tôi có muốn tổ chức ở Việt Nam không thì tôi nhận lời ngay vì lúc đó tôi nghĩ tới Huế trước. Tôi thấy TP. Huế và Trường đại học Sư phạm là nơi có thể tổ chức hội thảo rất thành công. Những dịch vụ ở Huế chẳng hạn như khách sạn rất tốt và tôi biết nếu tổ chức ở đây tôi sẽ có sự giúp đỡ của những bạn trẻ trong các lớp chương trình vật lý tiên tiến. Đó là những yếu tố rất quan trọng cho hội thảo lần này thành công.
 
* Mục đích của Khóa học chuyên sâu về Vật lý hạt và Vũ trụ học BCVSPIN là tạo cơ hội cập nhật những kiến thức khoa học mới nhất trong lĩnh vực Vật lý năng lượng cao và Vũ trụ học cho các nhà khoa học trẻ của những nước tham gia. Vậy BCVSPIN 2011 này tập trung vào những đề tài gì thưa ông?
Trường vật lý lần này rất hay vì có nhiều đề tài mới mẻ nhất được đề cập đến. Chẳng hạn vào trung tuần tháng 7 có kết quả mới về máy gia tốc hạt cơ bản cỡ lớn ở Thụy Sĩ. Trong ngành vật lý hạt có một máy gia tốc mà có năng lượng cao nhất ở trên thế giới gọi là máy LHC. Đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa thực sự hiểu rõ nguồn gốc hiện tượng đưa đến khối lượng của những hạt cơ bản. Do vậy một trong những mục tiêu của máy LHC là khám phá ra hạt Higgs, nếu khám phá được hạt này thì chúng ta sẽ hiểu rõ hơn những lý do vì sao hạt cơ bản có khối lượng mà chúng ta đã đo được. Hạt Higgs có thể xem như mẹ đẻ của những khối lượng của những hạt cơ bản đó. Phần đầu của hội thảo đã đề cập đến vấn đề này và những lý thuyết liên quan đến máy gia tốc hạt cơ bản cỡ lớn LHC.
Trong ba ngày tiếp theo của  khóa học, những giảng viên và vật lý gia quốc tế đã có các bài giảng và nói chuyện về lĩnh vực Vật lý hạt, về các chủ đề Vật chất tối, Năng lượng tối, Vũ trụ lạm phát và các tia vũ trụ năng lượng siêu cao và những kết quả chung quanh cái đó. Ngoài ra, Ban tổ chức dành nguyên một buổi sáng cho các học viên trình bày kết quả nghiên cứu của mình và buổi chiều kết thúc khóa học, Giáo sư Trần Thanh Vân đã có bài trình bày về Trung tâm hội thảo đẳng cấp quốc tế ở Quy Nhơn- nơi sẽ tổ chức những hội thảo chuyên ngành về vật lý và những ngành khác. Trung tâm này sẽ được đặt hòn gạch xây dựng đầu tiên vào tháng 12 tới.
* Giáo sư đánh giá thế nào về sự phát triển của ngành Vật lý ở Thừa Thiên Huế nói riêng và Việt Nam nói chung?
Sự phát triển của ngành Vật lý ở Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng càng ngày tăng lên nhưng cần nỗ lực rất nhiều nữa. Tôi nghĩ cần có sự hỗ trợ không chỉ từ phía đại học mà cả của tỉnh và chính phủ. Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, tôi và thầy Nguyễn Bá Ân ở Viện Vật lý (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) có nguyện vọng là Trường đại học Sư phạm- Đại học Huế sẽ thành lập một Trung tâm Vật lý lý thuyết. Các đồng nghiệp của tôi ở Huế sẽ bắt đầu viết đề án này. Nếu có trung tâm như vậy rất tốt vì đây sẽ là nơi những đồng nghiệp từ các thành phố khác, từ nước ngoài tới nghiên cứu. Sự thành lập trung tâm vật lý này là bước đầu để đi tới và lúc đó Huế sẽ thu hút được nhiều người về để làm việc và du lịch. Chúng tôi sẽ họp mặt và bàn thảo về việc thành lập trung tâm và hy vọng là những đề tài nghiên cứu của trung tâm này sẽ rất hiện đại và quan trọng.
* Vì sao Trung tâm Vật lý lý thuyết sẽ đặt ở Huế mà không phải là những thành phố phát triển như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, thưa Giáo sư?
Tôi nghĩ Huế có nhiều khả năng để phát triển thêm. Và tại vì tôi cũng thích Huế nữa (cười). Một lý do nữa là những đồng nghiệp của tôi và các thế hệ trẻ của Huế có nhiều khả năng để làm cho trung tâm này nổi bật lên. Ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh cũng đã có một vài trung tâm như vậy rồi. Huế lại là nơi có truyền thống học vấn, mà trong việc nghiên cứu khoa học điều này rất quan trọng. Và lý do nữa là những đồng nghiệp ở Hà Nội cũng muốn tạo điều kiện cho miền Trung.
* Giáo sư đánh giá rất cao về người trẻ ở Huế. Cơ sở nào khiến Giáo sự có sự đánh giá như vậy?
Tôi đánh giá dựa trên kinh nghiệm của tôi đối với chương trình vật lý tiên tiến. Qua chương trình này, tôi có tiếp xúc với những đồng nghiệp ở đây và tôi thấy những em sinh viên trong chương trình rất xuất sắc, nhiệt tình, lúc nào cũng rất chủ động. Đây là một điểm quan trọng để tiến lên trong khoa học.
* Để đưa ngành Vật lý của Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, theo Giáo sư cần phải làm gì?
Tôi cho rằng cần phải hỗ trợ những người làm nghiên cứu khoa học bằng cách tạo ra môi trường thuận lợi để họ làm nghiên cứu. Cách tạo ra môi trường thuận lợi như thế nào là vấn đề mà dư luận đang bàn cãi rất nhiều. Theo tôi, muốn những giáo sư, tiến sĩ, giảng viên trong đại học có thời gian bỏ ra nghiên cứu thì thời gian giảng dạy phải giảm đi. Tôi thấy những đồng nghiệp của tôi ở Việt Nam thời gian bỏ ra để dạy học hơi nhiều. Nếu không chỉ Huế mà ở Việt Nam những người này có thời gian để nghiên cứu thì lúc đó sự phát triển sẽ rất nhanh. Tuy nhiên vấn đề là ở chỗ họ chưa thể yên tâm với đời sống của mình nên vẫn phải tập trung nhiều cho việc giảng dạy hơn là nghiên cứu. Đó là vấn đề quan trọng nhất.
* Được biết ở nước ngoài các giảng viên ở đại học bỏ ra rất nhiều thời gian để nghiên cứu khoa học. Giáo sư có thể cho biết ở Mỹ chính phủ đã có cách làm thế nào để khuyến khích các giáo sư, giảng viên ở đại học say mê nghiên cứu khoa học và dành nhiều thời gian cho công việc này?
Tôi đưa ví dụ như ở Đại học Virginia nơi tôi làm việc, tôi dạy mỗi khóa chỉ một môn và mỗi tuần chỉ có 3 tiếng dạy trên lớp, tất cả thời gian còn lại là làm nghiên cứu. Chính phủ Mỹ dành sự hỗ trợ nghiên cứu khoa học trong đại học qua những cơ quan như Department of Energy National Science Foundation. Cơ quan này hỗ trợ những người trong đại học nghiên cứu bằng cách hỗ trợ tiền cho đề tài để họ có thể mua máy móc nghiên cứu, rồi đi du lịch... Tức là đại học hỗ trợ các giáo sư làm nghiên cứu qua việc phân bố giờ dạy rất ít, còn những cơ quan khác của chính phủ thì hỗ trợ kinh phí. Người làm nghiên cứu được hỗ trợ sẽ phải nộp đề án sau mỗi 3 năm cho những cơ quan đó và dựa trên kết quả nghiên cứu các cơ quan này sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí hoặc cắt kinh phí nếu người đó không nghiên cứu gì. Điều này khiến cho người làm khoa học phải tiếp tục làm rất đắc lực.
Một cách nữa để các cơ quan này đánh giá người làm nghiên cứu là qua những tạp chí quốc tế có đăng tải kết quả nghiên cứu và việc đi những hội thảo để nói chuyện về kết quả nghiên cứu, từ đó họ đánh giá đề tài nghiên cứu của người đó có ảnh hưởng đến xã hội như thế nào. Trong ngành khoa hoc cơ bản không nhất thiết kết quả nghiên cứu phải ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội nên ở nước ngoài, họ tôn trọng nghiên cứu cơ bản lắm, vì dù không có ảnh hưởng trực tiếp xã hội nhưng những năm tới thì những kết quả nghiên cứu đó sẽ trở thành có ích cho xã hội. Những công nghệ cũng đi từ đó ra và những kết quả của công nghệ phải dựa trên kết quả của khoa học cơ bản.
* Xin cảm ơn Giáo sư!
Khóa học chuyên sâu về Vật lý hạt và Vũ trụ học BCVSPIN là một chuỗi các trường hè về Vật lý năng lượng cao và Vũ trụ học ở trình độ quốc tế cao giảng dạy bằng tiếng Anh. BCVSPIN là tên viết tắt của các nước có học viên tham gia vào chương trình: Bangladesh, China, Vietnam, Sri Lanka, Pakistan, India và Nepal. Đây là lần đầu tiên Đại học Virginia tổ chức BCVSPIN cùng với Đại học Delaware và cũng là lần đầu tiên Khóa học được tổ chức ở Việt Nam nhờ vai trò quan trọng của Giáo sư Phạm Quang Hưng, Đại học Virginia. Khóa học chuyên sâu về Vật lý hạt và Vũ trụ học 2011 BCVSPIN có tổng số 71 học viên là sinh viên, học viên sau đại học, nghiên cứu sinh tiến sĩ, sau tiến sĩ, giảng viên các trường đại học và các nhà nghiên cứu tham dự; trong đó có 46 học viên trong nước và 25 học viên quốc tế. 17 giảng viên tại BCVSPIN lần này là những chuyên gia hàng đầu thế giới trong những lĩnh vực mà họ nghiên cứu.
Thanh Vân (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm