“Nâng cấp từ trung cấp lên cao đẳng nghề- hướng đến đào tạo đa ngành nghề”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhân dịp khai giảng năm học mới 2011-2012, phóng viên Báo Gia Lai có cuộc trao đổi với Th.s Trần Văn Kiệm- Hiệu trưởng trường Trung cấp Nghề Gia Lai xung quanh việc nâng cấp trường từ trung cấp lên cao đẳng nghề hướng đến đào tạo đa ngành nghề gắn với nhu cầu xã hội góp phần giải quyết việc làm.

 
P.V: Thưa ông, trong năm học 2011-2012, nhà trường sẽ có đổi mới gì trong việc thực hiện dạy và học nghề so với năm học trước?


Hiệu trưởng Trần Văn Kiệm: Năm học 2011-2012, nhà trường tròn 35 tuổi, quãng thời gian đủ để cống hiến cho xã hội và tích lũy kinh nghiệm cho những bước tiến tiếp theo mang tính đột phá hơn. Trong 35 năm qua trường đã đào tạo khoảng 35.000 lao động. Nhiều thế hệ học sinh của trường từ nền tảng ban đầu đã vươn lên trở thành doanh nhân thành đạt hoặc những người thợ có “bàn tay vàng” được xã hội tôn vinh.

Bước vào năm học mới nhà trường tiếp tục thực hiện các mục tiêu đã đề ra cho 5 năm tới (2011-2015), đồng thời tập trung vào một số nội dung có tính đột phá như: Đưa nội dung đào tạo khởi sự doanh nghiệp để trang bị kỹ năng kinh doanh, tự tạo việc làm và làm giàu từ nghề nghiệp cho học sinh- sinh viên khi ra trường; đổi mới phương pháp đào tạo: Chuyển toàn bộ hình thức dạy chuyên môn từ tách biệt buổi học lý thuyết với thực hành sang thực hiện giáo án tích hợp...

P.V: Tiến độ triển khai nâng cấp từ Trường Trung cấp Nghề Gia Lai lên Trường Cao đẳng Nghề hiện nay thực hiện đến đâu, thưa ông?

Hiệu trưởng Trần Văn Kiệm: Nhà trường đã cố gắng trong công tác tạo nguồn đào tạo đội ngũ giáo viên trình độ chuẩn, biên soạn chương trình trình độ Cao đẳng nghề cho những nghề dự kiến nâng cấp; trang bị thêm các thiết bị dạy nghề tiên tiến... Trong 2 năm qua, tỉnh đã giao nhiệm vụ cho trường liên kết đào tạo hệ Cao đẳng nghề; từ đó đã đào tạo 100 sinh viên Cao đẳng nghề liên thông từ Trung cấp nghề. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện việc nâng cấp bị chậm. Nguyên nhân: Việc đáp ứng các điều kiện theo tiêu chuẩn trường Cao đẳng nghề còn chậm. Đội ngũ cán bộ giáo viên của trường hàng năm tăng chậm, cấp trên lại thường xuyên điều động cán bộ chủ chốt, kể cả giáo viên đã được đào tạo trên đại học và quy hoạch cho trường Cao đẳng nghề. Tiến độ xây dựng cơ sở mới trường Cao đẳng nghề (dự kiến hoàn thành năm 2010) đến nay mới thực hiện được gần 30% do thiếu vốn. Sự kiểm tra giám sát của các cấp đối với tiến độ thực hiện đề án nâng cấp trường còn chưa sát sao.

Lớp học nghề hàn. Ảnh: Đinh Yến
Lớp học nghề hàn. Ảnh: Đinh Yến
Năm 2012 đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên của trường dự kiến sẽ nâng lên khoảng 130 người (bao gồm cả cơ hữu và hợp đồng), trong đó trình độ trên đại học là 12 người, đủ cơ cấu cho các nghề nâng lên Cao đẳng. Chương trình giáo trình đào tạo trình độ Cao đẳng nghề đã được chuẩn bị song song với lập đề án Cao đẳng nghề. Việc xây dựng cơ sở mới dù chưa hoàn thành nhưng là một tiêu chuẩn đủ để Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội làm cơ sở phê duyệt đề án.


P.V: Thưa ông, những thuận lợi, khó khăn hiện nay của nhà trường cần được đề xuất, tháo gỡ nhằm thực hiện tốt hơn công tác dạy và học nghề?

Hiệu trưởng Trần Văn Kiệm: Thuận lợi cơ bản là nhà trường được sự quan tâm đầu tư của tỉnh về xây dựng cơ sở vật chất Trường Cao đẳng Nghề và xác định rõ mục tiêu nâng cấp để tập thể cán bộ viên chức lao động nhà trường phấn đấu từ nhiều năm qua. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã phê duyệt cho trường 4 nghề trọng điểm quốc gia là: Điện công nghiệp; vận hành nhà máy thủy điện; hàn và kỹ thuật lắp ráp sửa chữa máy tính. Mỗi nghề sẽ được hỗ trợ đầu tư khá lớn về cơ sở vật chất, xây dựng chương trình giáo trình, mua sắm thiết bị và đào tạo bồi dưỡng giáo viên trong giai đoạn 2011-2015.

Tuy nhiên khó khăn thì còn nhiều. Trước hết là nhận thức chung của xã hội và tâm lý người học chưa đúng mức về dạy và học nghề. Nếu các nước tiên tiến ở châu Âu như: Đức, Bỉ, Séc, Phần Lan... có từ 50% đến 70% học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở được phân luồng học nghề thì ở Việt Nam chủ trương học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở được nhận gần hết vào Trung học phổ thông, còn học sinh học xong phổ thông chủ yếu muốn vào đại học, cao đẳng chuyên nghiệp, việc xác định điểm chuẩn vào đại học mùa tuyển sinh vừa qua đã thấy rõ.

Khó khăn thứ hai là đang có sự phân biệt trong tuyển dụng đối với một số ngành học không phải là đào tạo công nhân trực tiếp sản xuất (như kế toán, văn thư hành chính...) tốt nghiệp ở các trường trung cấp nghề. Nhưng trong thực tế học sinh được đào tạo ở trường, nhiều cơ quan khi nhận các em thực tập tốt nghiệp hoặc hợp đồng lao động đều đánh giá khá cao năng lực công việc của học sinh. Vì thế, các cơ quan thẩm quyền của tỉnh cần nghiên cứu để điều chỉnh chính sách như một số tỉnh bạn. Nếu không khi nâng cấp lên đào tạo Cao đẳng nghề (trình độ cử nhân) sẽ tiếp tục vướng mắc, vừa gây lãng phí vừa tạo thất nghiệp cho người theo học. Khó khăn tiếp theo là học bổng trợ cấp xã hội của học sinh dân tộc thiểu số quá thấp (chỉ có 140.000 đồng/tháng), so với giá cả hiện nay thì rất khó khăn cho các em theo học, thực tế hàng năm đều có trên 10% học sinh dân tộc thiểu số bỏ học vì lý do kinh tế khó khăn. Rất mong được sự quan tâm của các ngành, các cấp để đối tượng này có cơ hội học tập, vươn lên trở thành người có ích cho xã hội.

Đinh Yến (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm