Hãy chung tay chia sẻ nỗi đau da cam!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hãy chung tay chia sẻ nỗi đau da cam! ảnh 1
 
Xin ông đánh giá đôi nét về tình hình đời sống của nạn nhân da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh?


  Ông Phạm Thế Dũng: Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng hậu quả của cuộc chiến tranh hóa học mà quân đội Mỹ để lại trên chiến trường Việt Nam nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng cho đến hôm nay vẫn còn rất nặng nề. Ngày 10-8-2011 đánh dấu tròn 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam. Đây là một kỷ niệm buồn đối với nhân dân Việt Nam. Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó có khoảng 3 triệu người là nạn nhân, nhiều nạn nhân là trẻ em thế hệ thứ 2, thứ 3. Hàng vạn người đã chết trong đau khổ. Hàng vạn trẻ em ra đời bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, hàng trăm ngàn gia đình đang phải sống trong nỗi khổ tột cùng bởi tác hại của chất độc da cam/dioxin.

Ở Gia Lai có khoảng trên 13.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó 7.000 người là nạn nhân bị nhiễm trực tiếp và gần 6.000 người bị nhiễm gián tiếp. Đã có 2.000 người chết, nhiều gia đình có từ 2 đến 3 người bị nhiễm chất độc da cam rất thương tâm. Nhiều gia đình, con cái, cả cháu chắt khi sinh ra đều bị dị tật, thiểu năng trí tuệ, ung thư, câm điếc… Đau khổ hơn các gia đình nạn nhân da cam ở vùng sâu, vùng xa đều thuộc diện đói nghèo, cùng cực, không có sức lao động, chủ yếu sống nhờ vào trợ cấp xã hội. Hiện có tới 70% số nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam sống trong khó khăn và có tới 90% không có nghề nghiệp, việc làm… 

Phần lớn những gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin đang hàng ngày, hàng giờ phải sống lay lắt bởi bệnh tật, đói nghèo, vô vọng. Họ là những người nghèo khổ nhất trong những người nghèo khổ, đau khổ nhất trong những người đau khổ, rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội.

Trong những năm qua, tỉnh đã triển khai chính sách hỗ trợ cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin như thế nào?  

Ông Phạm Thế Dũng: Giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin không chỉ là lương tâm, trách nhiệm, đạo lý đối với những người đã chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc mà còn là vấn đề xã hội, nhân đạo đối với nhân dân trong cả nước và bạn bè quốc tế. Với tinh thần đó, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, biện pháp tích cực để khắc phục hậu quả cuộc chiến tranh hóa học. Ở Gia Lai, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngày 23-11-2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh chính thức hoạt động. Tiếp theo là các cấp Hội huyện, thị xã, thành phố cũng thành lập. Các cấp Hội là tổ chức xã hội đặc biệt, là cầu nối để thực hiện những chính sách hỗ trợ giúp đỡ vật chất và tinh thần cho các gia đình nạn nhân.  

Đến nay, qua hơn 7 năm, các cấp Hội đã tích cực vận động, tuyên truyền; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nạn nhân, đại diện cho các nạn nhân trong quan hệ với các tổ chức, cá nhân trong tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 28 tổ chức cơ sở Hội ở xã, phường, thị trấn, với gần 4.000 hội viên.

Các cấp Hội, nhất là Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã có nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân ủng hộ, giúp đỡ các nạn nhân da cam cả về vật chất lẫn tinh thần. Đến nay đã huy động, kêu gọi được sự quan tâm ủng hộ của các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp trên 7 tỷ đồng. Đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 4.100 lượt đối tượng, với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng. Hỗ trợ, sửa chữa và làm mới tặng 75 căn nhà cho gia đình nạn nhân, tổng số tiền là 1,5 tỷ đồng; hỗ trợ cho các nạn nhân vay vốn sản xuất, chăn nuôi, cải thiện đời sống gần 1 tỷ đồng.

Để các nạn nhân và gia đình có điều kiện chữa trị, tập luyện phục hồi chức năng, tỉnh đang triển khai thực hiện xây dựng trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng bán trú cho các nạn nhân. Tổng kinh phí xây dựng trung tâm là 1,34 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 840 triệu đồng, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam hỗ trợ 500 triệu đồng.
Máy bay Mỹ rải chất da cam trên vùng trời Việt Nam. Ảnh: Tư liệu
Máy bay Mỹ rải chất da cam trên vùng trời Việt Nam. Ảnh: Tư liệu
Thời gian tới, các cấp Hội có những giải pháp gì để tiếp tục giúp các nạn nhân và gia đình vươn lên hòa nhập cộng đồng, thưa đồng chí?

Ông Phạm Thế Dũng: Thông báo số 292-TB/TW, ngày 18-12-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khẳng định: Việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, khắc phục hậu quả chất độc da cam là lương tâm và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, các cấp, các ngành, các tổ chức và của mọi người dân, cần được tiến hành dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể.

Với tinh thần đó, thời gian tới, các cấp Hội cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, làm cho cán bộ và nhân dân hiểu rõ hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam và Gia Lai, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp về giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam…

Hai là, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia vào công tác này. Cần được tiến hành dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất, phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở và được gắn với quy hoạch, chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Ba là, tiếp tục xây dựng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp vững mạnh. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ Hội, đưa công tác chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân da cam thành nhiệm vụ chính trị hàng đầu, là thước đo chủ yếu đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội.

Bốn là, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động khắc phục hậu quả chất độc da cam, huy động toàn dân tham gia chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, dấy lên phong trào “Người người, nhà nhà, ngành ngành chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”.

Năm là, tiếp tục hưởng ứng cuộc đấu tranh đòi công lý với Chính phủ Hoa Kỳ (kiện các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp hóa chất độc hại cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam). Làm cho nhân dân trong nước và thế giới hiểu rõ hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam, thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế và dư luận Mỹ hình thành phong trào mang tính quốc tế đấu tranh chống chiến tranh hóa học, đòi Mỹ bồi thường cho nhân dân Việt Nam.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng thảm họa da cam vẫn còn đó. Sự thật phải được lên tiếng, tội ác phải bị vạch trần và công lý phải được tôn trọng. Đó là tiếng gọi của cuộc sống, lương tri và lẽ phải. Nửa thế kỷ thảm họa da cam ở Việt Nam, nhớ lại và suy nghĩ, đau thương và hành động; hành động một cách tự giác nhất, tích cực nhất, hiệu quả nhất với tình cảm và trách nhiệm cao nhất thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và “Thương người như thể thương thân” của dân tộc.

Xin cảm ơn ông!
Đinh Yến (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm