Nhà thơ Bằng Việt: Việc tìm tòi, thể nghiệm cái mới rất đáng hoan nghênh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhà thơ Bằng Việt từng nhận được các giải thưởng cao quý như: Giải nhất về thơ của Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội (1968); giải thưởng dịch thuật văn học quốc tế và giao lưu văn hóa quốc tế do Quỹ Hòa bình Liên Xô trao tặng (1982); giải thưởng Nhà nước về văn học đợt I- năm 2011; giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam (2002); giải thưởng văn học ASEAN (2003) cho tập thơ “Ném câu thơ vào gió”…
Hiện ông đang là Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Nhân dịp nhà thơ vào công tác tại Gia Lai, Gia Lai online đã có cuộc trao đổi với ông về thơ và một số vấn đề về sự phát triển của nó trong dòng chảy thơ ca đương đại nước nhà.
 
- Là một người đã trải qua rất nhiều vị trí công tác và đảm nhiệm nhiều chức danh xã hội, ông thích mình được mọi người nhắc đến với chức danh nào nhất?
Nhà thơ Bằng Việt: Với riêng tôi, chức danh nhà thơ vẫn là chức danh thú vị và mong muốn nhất. 
- Từng nhiều năm liền làm Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, ông đánh giá sao về thơ hiện nay, đặc biệt là thơ trẻ?
Nhà thơ Bằng Việt: Tôi nghĩ thơ ca giống như hoa, cứ mùa Xuân là sẽ nở. Về thơ trẻ, họ tài năng, họ có những ấp ủ sáng tạo và đến lúc đủ điều kiện sẽ phát thành tác phẩm. Tôi thấy thường cứ thời điểm cuối của một thế kỷ sẽ có sự bùng nổ về thơ ca và 20-30 năm đầu thế kỷ mới sẽ có sự thay đổi về thơ ca, đối chiếu lịch sử các thế kỷ gần đây sẽ thấy vậy. Tôi rất hy vọng sẽ thế.
Hội Nhà văn vừa trao giải thưởng cho 2 nhà thơ trẻ là Đinh Thị Như Thúy (Đak Lak) và Đỗ Doãn Phương (Hà Nội), họ được coi như tài năng mới của thơ ca đương đại. Họ là những người trẻ và chúng tôi luôn luôn trân trọng tài năng, chịu trách nhiệm về việc phát hiện, giới thiệu. Người viết trẻ cứ tìm tòi sáng tạo và phát huy hết tài lực của các bạn thì tin chắc tác phẩm của các bạn sẽ được công chúng đón nhận.
- Có người cho rằng thơ trẻ dường như đang quá sa vào sự cầu kỳ hình thức mà quên mất phần nội dung, ông có ý kiến như thế nào về nhận xét này?
Nhà thơ Bằng Việt: Trong quá trình tìm cách thể hiện mới, diễn đạt mới trong thơ văn họ có lúc vội vã, khó tránh khỏi nhược điểm như thế, phương pháp sáng tác các nước đã cũ nhưng du nhập vào ta thành mới nên anh em trẻ vội vã tiếp nhận và ứng dụng. Sự nhanh nhạy của họ cũng đáng yêu nhưng vì không biết tiết chế chắt lọc nên chỉ tội cho độc giả phải đọc những tác phẩm không đổi mới thực sự. Để tránh tình trạng này những người có trách nhiệm cần tổ chức các hội thảo, trao đổi, lớp hướng dẫn, bồi dưỡng để anh em hiểu cái gì là cái mới đích thực, cái nào “cũ người mới ta” mà viết để mở rộng đối ngoại giao lưu trực tiếp với văn hóa nước ngoài, để nâng văn hóa của mình lên và tự biết văn hóa của mình đang ở mức nào. Chỉ có thế mới giúp họ không bị sa đà. Việc tìm tòi, thể nghiệm cái mới rất đáng hoan nghênh và chúng ta cần khích lệ động viên họ hơn là phủ nhận, phê phán họ. 
- Ông là một trong những tác giả có tác phẩm được đưa vào giảng dạy trong chương trình văn học phổ thông? Ông có quan tâm nhiều đến văn học nhà trường không ạ?
Nhà thơ Bằng Việt: Tôi rất quan tâm đến chất lượng của những tác phẩm đưa vào dạy trong trường học, vì tôi rất muốn khi học những bài ấy các em thấy yêu thấy muốn chứ không phải bị học. Chỉ khi yêu thích các em mới thấy được những tình cảm lớn lao bao chứa trong mỗi bài học như tình cảm quê hương, gia đình, bè bạn… từ đó nuôi dưỡng tâm hồn thêm trong sáng, nhân hậu. Một bài văn phải làm cho người học thấy yêu văn học, yêu đời và yêu ngôn ngữ nước nhà hơn. Việc này đòi hỏi các nhà soạn sách phải công phu, làm sao để sách dạy văn phải đúng là những trang khai tâm cho con trẻ. 
- Đây là lần thứ mấy ông tới Gia Lai, và sau chuyến đi này Gia Lai có trở thành cảm hứng sáng tác của ông không?
Nhà thơ Bằng Việt: Thực ra đây là lần thứ hai tôi đến Gia Lai, lần đầu cách đây 10 năm, tôi rất thích thú với thành phố nhỏ xinh, không khí thoáng đãng này. Gia Lai những năm gần đây phát triển, thành phố của các bạn thật dễ thương đem lại cảm giác đầm ấm, bình yên. Pleiku-Gia Lai sẽ là một điểm nhấn trong tâm tưởng của tôi để khi nào đó lóe sáng trong tác phẩm của tôi sau này.
Hoàng Thanh Hương (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm