(GLO)- L.T.S: Công tác dân số-KHHGĐ là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế-xã hội, là yếu tố nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Dân số Việt Nam (26-12), Báo Gia Lai Điện tử có cuộc trao đổi với ông Măng Đung- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo công tác dân số tỉnh, xung quanh vấn đề này.
- Xin ông cho biết những kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch hóa gia đình trong thời gian qua?
Ông MĂNG ĐUNG: Sau 10 năm thực hiện Chiến lược dân số Việt Nam và Chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản giai đoạn 2001-2010, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã luôn đặt công tác dân số-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Trao đổi về phương pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản. Ảnh: Hà Tây |
Theo đó, tỷ lệ thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại tăng từ 52% (năm 2001) lên 66% (năm 2010); mức giảm sinh bình quân đạt 0,7‰/năm; số con trung bình của một phụ nữ giảm từ 3,4 con (năm 2001) xuống còn 2,78 con (năm 2010), mỗi năm tránh được gần 1.000 trường hợp sinh con ngoài ý muốn; tỷ lệ phụ nữ có thai được quản lý tăng lên 83,06% (năm 2009); giảm đáng kể tỷ lệ bà mẹ đẻ tại nhà, tại nương rẫy, đẻ không có cán bộ y tế được đào tạo đỡ đẻ; hạn chế tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh trên địa bàn tỉnh, ước tính tỷ suất tử vong mẹ giảm từ 115/100.000 ca đẻ sống (năm 2001) xuống còn 70/100.000 ca đẻ sống (năm 2010). Trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm đáng kể. Việc khám phát hiện, điều trị bệnh viêm nhiễm, bệnh lây qua đường sinh sản được thực hiện tích cực.
Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế-xã hội của tỉnh còn những mặt khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, một bộ phận dân cư còn quan niệm lạc hậu trong hôn nhân và sinh đẻ; tỷ lệ thực hiện các biện pháp tránh thai đạt thấp (66%), tỷ suất sinh còn cao (22,74‰), tỷ lệ sinh con thứ ba 29%, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 2,7 con; vẫn còn tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn 26%; trẻ em dị tật 3-5%. Vẫn còn phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chưa có thói quen khám phụ khoa, khám thai và sinh đẻ tại cơ sở y tế. Còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tăng dân số tự nhiên và tốc độ gia tăng dân số. Tuy mỗi năm đã tránh sinh được gần 1.000 trường hợp nhưng vẫn còn gần 30.000 trẻ em được sinh ra và bình quân hàng năm tăng thêm 3%o nhân khẩu. Thêm vào đó là vấn đề di dân tự do, di dân theo kế hoạch là những khó khăn đối với công tác dân số-KHHGĐ của tỉnh Gia Lai.
- Để thực hiện tốt chính sách dân số-KHHGĐ, theo ông ngành chức năng và người dân cần thực hiện những biện pháp gì?
Ông MĂNG ĐUNG: Các ngành, các cấp cần quán triệt sâu sắc các quan điểm của Chiến lược dân số-SKSS Việt Nam giai đoạn 2011-2020; tập trung ưu tiên giảm sinh ở các vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa như các huyện: Đức Cơ, Kông Chro, Mang Yang, Chư Prông, Ia Pa, Krông Pa, Chư Pưh...; đồng thời nâng cao chất lượng dân số ở các vùng dân số đã ổn định, đạt mức sinh thay thế như: TP. Pleiku, thị xã An Khê, Ayun Pa, huyện Đak Pơ, Phú Thiện nhằm nâng cao chất lượng dân số.
Gia Lai cần thực hiện tốt công tác lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình giảm nghèo và chương trình xây dựng nông thôn mới… Đưa các nội dung, chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm và chương trình hành động của các ngành, đoàn thể; trong hương ước, quy ước của thôn, làng.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm làm chuyển đổi sâu sắc về nhận thức, tâm lý, tập quán sinh đẻ trong toàn xã hội; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu thực hiện, đồng thời tuyên truyền, vận động gia đình, người dân thực hiện chính sách dân số-KHHGĐ, chăm sóc SKSS và thực hiện mỗi cặp vợ chồng chỉ có một đến hai con, coi việc dừng lại ở 2 con là nghĩa vụ của các cặp vợ chồng để góp phần giảm bớt gánh nặng dân số cho đất nước.
Tăng cường công tác tuyên truyền phải hướng tới vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có số con trung bình còn cao (3,5 con/cặp vợ chồng).
Tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án, mô hình đã được phê duyệt; triển khai các loại hình cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ phù hợp với từng vùng, từng đối tượng. Tăng cường các chiến dịch chăm sóc SKSS và KHHGĐ đối với vùng nông thôn, vùng đông dân có mức sinh cao, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Quán triệt công tác dân số-chăm sóc SKSS là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể; thực hiện tốt công tác phối hợp giữa cơ quan chuyên môn với các đoàn thể. Củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác dân số-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở. Tổ chức tốt công tác kiểm tra, đánh giá toàn diện các hoạt động dân số-chăm sóc SKSS để có biện pháp can thiệp có hiệu quả nhất.
- Xin cảm ơn ông!
Hà Tây(thực hiện)