Khi cuộc sống là dấu cộng của “những chuyến lang thang bé”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Anh là người của những chuyến đi xa. Anh miệt mài đi và tìm kiếm những đốm sáng từ những nơi tối tăm để mang đến bạn đọc những bài phóng sự mới mẻ và độc đáo. Những nhân vật qua trang viết của anh hiện lên cảm động đến nghẹn ngào nhưng chẳng hề bi lụy, than trách mà ngược lại là sự khao khát vươn lên vượt qua số phận. Và đọc trên trang báo, có thể nhận ra dấu chân anh đã đi qua rất nhiều vùng miền, nhiều địa danh mà không phải ai cũng đi đến được. Anh là nhà báo Đỗ Doãn Hoàng.

- Nay thì ở Hà Giang, Tây Bắc, mai anh đã ở Cần Thơ... Rồi thì đến Nghệ An, Hà Tĩnh, Tây Nguyên… Có lẽ không nghề nào hợp với anh hơn nghề báo?

Đôi lúc phát khóc vì thất bại trong những bài viết, những ý tưởng làm báo, tôi đã nghĩ, sao mình lại vướng vào cái nghề phức tạp thế này? Cái nghề gì mà bao nhiêu bài học “xương máu” cũng chưa coi là tạm đủ! Một nhà báo lão thành nói: “làm báo như múa võ giữa chợ”, tôi thấy chí lý và đau đớn vô cùng. Nhưng, nếu cho chọn lại nghề (vẫn biết là không được phép chọn lại nữa rồi!), tôi vẫn chọn làm báo. Nó thỏa chí tang bồng lắm. Nó giống như kẻ lang thang ấy, lúc đi thì thấy mệt, đôi lúc thấy tuyệt vọng, nhưng khi ngồi nghĩ lại thì chuyến đi nào cũng tuyệt vời. Có khi càng vất vả rồi sau này càng thấy tuyệt vời!

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng.

- Đi nhiều, nhưng vùng đất nào anh cảm thấy mình nặng lòng nhất?

Khó nói lắm. Tôi tình cờ nghĩ điều này, khi mà chỉ trong hơn ba năm vừa qua, tôi được nằm trong căn nhà cuối đất VN ở mũi Cà Mau rồi lại nằm ở nơi (có lẽ là) rừng rú nhất Việt Nam-ngã ba biên giới Apa Chải sau cả một tuần lội bộ trèo núi tới tóe máu chân… Chỗ nào cũng tuyệt, cả ăn thịt nai (xin lỗi các nhà môi trường) ở rừng rú cách đường ô tô cả tuần đi bộ và cả uống rượu ở thuyền chài ngoài “mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau”, ngắm một ngày cả cảnh mặt trời mọc ở biển Đông, cả cảnh mặt trời lặn ở biển Tây, tôi thấy lòng mình đều rưng rưng. Đó là cảm xúc rất thật, mà không riêng gì tôi, bất kỳ công dân Việt Nam nào cũng sẽ nghĩ như tôi nếu đặt chân tới đó.

Tuy nhiên, có lẽ tôi nặng lòng nhất với Tây Bắc. Năm nào tôi cũng có dăm chuyến vòng vo Tây Bắc. Tôi có một nửa dòng máu là người của Mường Thanh, Mường Tắc, Mường Lò, Mường Than (Tứ Mường đệ nhất của Tây Bắc) thì phải (cười).

- Nghề báo mang lại rất nhiều “chất liệu” quý giá cho người sáng tác văn chương. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp người viết do không điều tiết một cách hợp lý đường “ranh giới cần có” giữa hai loại hình trên nên báo chí thường át mất những khoảng trống cần thiết cho văn chương. Còn với anh thì sao?

Tôi bị báo chí lấn át rất nặng. Tôi có thời gian đã bẻ bút không viết truyện ngắn, bởi thấy mình không tĩnh tâm được. Nhưng lúc buồn, lúc một mình, chẳng hiểu thế nào… lại viết truyện. Chưa bao giờ tôi “đổ tội” cho báo chí cả.

Festival hoa Đà Lạt là nơi thu hút nhiều nhà báo đến tác nghiệp. Ảnh: T.P
Festival hoa Đà Lạt là nơi thu hút nhiều nhà báo đến tác nghiệp. Ảnh: T.P

- Anh từng tâm sự rằng: “Truyện của tôi từ số phận nhân vật đến đối thoại, không gian, tôi chẳng bịa được tí nào, cứ bê nguyên, thật 100%”. Như vậy là anh đang viết bút ký, phóng sự chứ đâu phải là truyện ngắn?

Tôi nghĩ, nhiều khi đơn giản là kể một câu chuyện cuộc đời mình, cuộc đời hàng xóm của mình lại thành một cái truyện ngắn hay. Một tiếng thở dài lại thành một bài thơ để đời. Những thứ trinh nguyên ấy chẳng vẫn thường được xem là những cái lộc, là mối tình đầu của rất nhiều người với văn chương. Bởi vì sao? Vì bản thân câu chuyện cuộc đời đó đã có triết lý, có văn chương, có thân phận, có lãng mạn, có đớn đau-cái gì mà chẳng có ở đời. Tôi bảo tôi “không bịa ra được cái gì”, “bê nguyên sự thật 100%” là theo ý đó. Là tôi muốn nhấn mạnh bản thân cuộc sống sẽ là nền tảng đích đáng nhất, là thứ văn chương nhất đối với những người viết trẻ. Những gì tôi nghe, tôi gặp trong đời tôi thấy nó để mình suy nghĩ nhiều hơn, ấp ủ nhiều hơn bất cứ tác phẩm nào tôi đã đọc (có thể vì tôi đọc chưa nhiều chăng?).

- Phần thưởng có ý nghĩa nhất đối với anh khi đến với văn chương và báo chí là điều gì vậy anh?

Được đi nhiều. Thiên nhiên kỳ diệu. Lòng tốt và tình cảm của người đời dành cho các vị lữ khách bao giờ cũng là vô tận. Đôi khi tôi cũng giúp được nhiều thân phận người trên các chặng đường làm báo, và tự thưởng cho mình một câu đắc chí! Tôi thích nhất là qua viết lách, tôi kể cho người ta nghe nhiều chuyện thú vị về những con người, những vùng đất đáng để biết mà đôi khi nhiều người chưa có cơ hội được đi. Giống như một người làm chương trình discovery, nhưng cố gắng tình cảm hơn, sâu sắc hơn một chút, có giọng điệu và riêng tư hơn một chút. Phải đủ tương, gừng, mắm, muối, ớt, tiêu các thứ... nhưng nhất thiết phải có lửa. Có lửa để nướng các gia vị lên!

- Được biết anh từng công tác ở Báo Công An Nhân Dân, “chuyên trị” những bài phóng sự vào hang ổ của bọn buôn bán ma túy. Anh hãy kể vài câu chuyện khó phai trong những chuyến đi này, đặc biệt là những hiểm nguy mà anh đã từng nếm trải.

Kể thì nhiều lắm. Hơn 4 năm trời, số báo nào của tờ An Ninh Thế Giới mà không có bài tôi trên trang nhất (toàn phóng sự nóng) là tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Cuối năm tổng kết, dăm bảy chục triệu đồng nhuận bút (ở riêng tờ An ninh thế giới, số tiền ở thời điểm năm 2002 - 2003), tòa soạn cứ là lác mắt. Vì tôi và Phó Tổng biên tập (cũng là một chuyên gia phóng sự) phụ trách tờ An Ninh Thế Giới là nhà văn-nhà báo Nguyễn Như Phong (bây giờ là Tổng Biên tập Báo Năng Lượng Mới), hai “ông” nhuận bút bằng nhau, có năm tôi hơn ông Phong cả chục triệu đồng (nhưng đi nhiều, phá nhiều, cuối năm tôi vẫn phải nhận trợ cấp của Báo, vì tôi là gã đi thuê nhà nuôi vợ và các con!).

Như thế để thấy tôi đi rất nhiều. Nói thì bạn không tin, cái Tết của 3 năm trước, tôi chỉ lo bị... giết. Vì đụng đến dự án hàng chục tỷ đồng của chúng bằng các bài báo yêu cầu đình chỉ công trình! Có người bắn tin (không biết có phải âm mưu của chúng không), có ba cách để xử lý thằng Hoàng: Một là mỹ nhân kế, hai là dùng cục tiền ném chết voi; ba là dùng một tai nạn giao thông. Lúc nào thằng ấy cũng di chuyển trên đường, mà húc chết một người thì phải “đền” chẳng bao nhiêu. Tôi sợ cho mình thì ít, sợ cho vợ con thì nhiều. Câu này thì không phải là do chúng bắn tin, mà là sau khi một tiến sĩ viết về vụ tôi bị “bắn tin” đe dọa lên blog của anh ta, có người lại rỉ tai tôi: Nó sẽ bắt cóc con trai ông khi ở trường. Mà tôi thì hai thằng con trai, biết nó bắt thằng nào (cười).

- Anh đang nói dở về các điểm nóng ma túy mà anh từng xâm nhập và viết báo, viết sách...

Tôi đã đi hầu hết các điểm nóng ma túy đệ nhất ở Việt Nam và đều viết bài khá đanh thép. Có điểm tôi viết cả một cuốn sách, như cuốn “Bức tường lửa lặng lẽ” (NXB Công an Nhân dân), có những Phó Giám đốc Công an tỉnh, cán bộ PC17 (Cảnh sát Ma túy) bị treo giải: “Ai lấy được đầu “chúng” thì được thưởng 2 tỷ”! Các điểm tôi đã viết: Xã cơm đen Hưng Long (Nghệ An), thung lũng tử thần Na Ư (Điện Biên), Hang Kia Pà Cò (Hòa Bình), Pha Long, Tả Ngải Chồ (Lào Cai); Sơn La... Song, có lẽ tôi chết hụt nhiều nhất là hồi vào với vùng ma túy kinh hoàng ở Quế Phong, Nghệ An. Chuyến đi làm tôi không dám tin là mình sẽ lành lặn trở ra.

Vùng đất đó là Nậm Nhóng, Tri Lễ, Châu Kim... giáp biên giới Việt-Lào. Từ đó đến tận bây giờ, liên tục có các cuộc đọ súng giữa công an, biên phòng và bọn buôn ma túy. Nó xách hàng thành tải. Vừa rồi, một số Bố Già bị lực lượng chức năng tiêu diệt bằng súng lớn. Bọn chúng thường tổ chức gái mại dâm vào hang phục vụ chúng, chăm sóc cơm gạo rượu thịt, chúng theo dõi và sẵn sàng “bắn tỉa” bất cứ lúc nào. Cái đáng sợ không kém là sự khủng khiếp của những cung đường đi bộ, đi xe lai (xe ôm đường rừng), những cơn mưa núi, lạc rừng giữa đêm khuya. Nói thật, chỉ có máu khám phá thì mới dẫn dụ được tôi vào đó, chứ tiền tỷ cũng chả ai nỡ đày đọa mình như hồi ấy (năm 2001, bây giờ đường đi đã bớt khó khăn nhiều). Tôi nhớ, cảm xúc nhiều đến mức: Những bài viết đó tôi in thành sách, con dốc tôi bị lạc rừng khiếp đảm thành tên sách: “Lạc lối dưới chân Bù Chồng Cha”; bài viết riêng về việc đi xe ôm vào gần hang ổ kia đã mang cho tôi một giải thưởng phóng sự của Báo Lao Động (bài “Binh pháp xe lai”); riêng cảnh các “chiến binh rừng núi” ngồi xé các vết chai sần to như quả táo trên tay mình ra đốt trong đèn dầu giữa bản, là cảm hứng tôi viết một truyện ngắn, được Giải nhì cuộc thi truyện ngắn của Báo Tuổi Trẻ (năm 2007).

Cách đây hơn 2 năm, tại đó, có cuộc đọ súng kinh hoàng, đọc nguyên văn cái tin trên báo cho anh nghe nhé: “Khoảng 4 giờ sáng 19-5-2009, các chiến sĩ có mặt tại nơi bọn chúng đang tụ tập để buôn bán heroin, nhưng bất ngờ một tên nghe tiếng động đã tri hô đồng bọn dùng súng bắn tỉa về phía lực lượng chức năng. Các chiến sĩ BP 519 kêu gọi các đối tượng nên đầu hàng để được hưởng sự khoan hồng của luật pháp. Chúng không chịu nghe lời, mà còn tiếp tục xả đạn nhiều hơn về phía lực lượng chức năng. Lúc này, các đối tượng cố thủ trong hang đá tiếp tục nhả đạn quyết liệt. Giữa màn đêm yên tĩnh, tịch mịch, những tiếng súng vang lên làm rung chuyển cả núi rừng Pùng Mua. Sau hơn 30 phút giao tranh, các đối tượng biết không thể chống trả lại cơ quan chức năng, nên đã cố tẩu thoát khỏi hang ổ này. Tên cầm đầu quyết định rút lui thì bị các chiến sĩ phát hiện và bắn gãy chân. Số còn lại đã trốn thoát. Tên bị bắt gọn là Vừ Tồng Chò (dân tộc Mông-35 tuổi trú tại xã Nậm Bống, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn-Lào). Tang vật thu tại chỗ 17 bánh heroin cùng 22 triệu tiền Việt Nam, 200 USD, gần 50.000 Kíp (tiền Lào), 1 khẩu AK, 1 súng ngắn K54, 2 quả lựu đạn và 30 viên đạn.

Đây là một chiến công xuất sắc của Đồn Biên phòng 519 trong việc tấn công tội phạm ma túy trên địa bàn đơn vị phụ trách. Được biết, Vừ Tồng Chò là một đối tượng buôn bán ma túy cực kỳ nguy hiểm. Hiện hai đối tượng cùng đi đang tiếp tục bị truy nã. Lực lượng chức năng của Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đang khẩn trương điều tra, xác minh nhân thân của đối tượng bị tiêu diệt, đồng thời tổ chức truy bắt các đối tượng còn lại trong vụ án. Đây là một trong những chiến công xuất sắc của Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An chào mừng kỷ niệm 119 năm Ngày sinh Bác Hồ” (trích nguyên văn một đoạn tường thuật về Quế Phong đã đăng trên báo).

- Anh nghĩ về nghề báo như thế nào?

Tôi nghĩ, nghề báo đích thực không nên gọi nó là cái nghề, mà hãy gọi là một cái máu, một đam mê, một thứ nghiệp của người viết. Lý do viết báo như một cái nghề, không thể phủ nhận, vì ai cũng phải sống, phải như người thường. Nhưng cái mà các tác phẩm báo chí đích thực, các nhà báo chân chính vươn tới nó cao hơn ngần ấy. Tôi thích chúng ta hãy đơn giản cái nghề này trong lý luận, hãy coi báo chí chỉ có tin và bài, bài thì dài, tin thì ngắn. Cũng như hãy coi viết báo như một cách để bạn thể hiện sự cống hiến của mình cho cộng đồng. Muốn thế phải có người đọc. Hãy để bài viết của bạn làm thay đổi (dù ít nhiều) nhận thức của người ta theo hướng tích cực. Hãy thôi thúc nhận thức, rồi nhận thức điều khiển hành vi của người. Tóm lại là phải tính đếm đến tác động xã hội của bài báo.

Khi làm mảng phóng sự thân phận, tôi không viết những mẩu kêu gọi lòng hảo tâm, kiểu “hoàn cảnh cần giúp đỡ”. Nhưng rất nhiều khi, bên cạnh việc cho xã hội thấy nỗi đau phận người, sự nỗ lực của người ta giữa thiệt thòi thân kiếp, tôi còn nhắm đơn giản: Mình phải xây cho người ta một ngôi nhà, một cây cầu, cứu một bản làng thoát khỏi những thảm họa sinh thái, môi trường hay tật bệnh, hủ tục… Khi ấy, niềm thương cảm thật sự sẽ khiến tác phẩm của bạn hay hơn. Và nhà hảo tâm, các đơn vị, tổ chức… sẽ đến cứu giúp người ta nhiều hơn.

Hãy nghĩ đến điều cao hơn. Đôi khi chỉ là ý kiến nhỏ của bạn trong vai trò công dân, nhà báo chân chính, có thể làm thay đổi nhận thức của ai đó. Và điều đó đã là sự hữu ích đáng tự hào, là sứ mệnh cao cả của người làm báo rồi. Khi bạn viết về một sự hoang sơ, như bạn đang dẫn dắt người ta vào một thế giới mà người ta chưa từng biết, sự thú vị người ta nhận được, cũng là một đóng góp cần thiết, là sứ mệnh của báo chí.
Trên đây là tôi ví dụ về công việc của nhà báo. Đó chỉ là ví dụ để nói về những điều lớn lao hơn, mà các nhà báo nói chung cần phải hướng tới (theo cách nghĩ của cá nhân tôi). Chứ thật khó để trả lời câu hỏi quả là rộng của anh.

- Anh hãy kể một bài học kinh nghiệm cho việc tác nghiệp?

Tôi từng hí hửng mở băng, có cuốn băng ghi âm trắng tinh, có cuốn sổ ghi chép bị mất, có hàng trăm bức ảnh trong những chuyến đi rùng rợn hay ho bị hỏng hoàn toàn. Tôi thấy, việc chuẩn bị dụng cụ tác nghiệp là cực kỳ quan trọng. Sự nghiêm túc trong nghề nghiệp luôn được tôi đề cao, nhất là khi đi “trao đổi kinh nghiệm” với học viên ở các trường đại học, cao đẳng về báo chí, văn chương. Vì sao? Vì trong thời đại Internet này, bạn có thể tìm được rất nhiều thứ về nơi bạn sắp đến, người bạn sắp gặp, hãy có tư liệu về họ trước khi tiếp xúc, trước khi lên đường. Và, phải bài bản, chuyên nghiệp từ góc máy, từ sổ tay, từ việc dùng 2 máy ảnh, 2 máy ghi âm trong hầu hết các cuộc tiếp xúc cần phải có hình, có tiếng (với báo viết cũng vậy). Thí dụ thế.

- Cảm ơn nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. Tôi đã thấy “đời” hơn và thích phiêu lưu hơn qua cuộc trò chuyện thoải mái cùng anh.

Duy Khanh (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm