Lãi suất cao buộc phải giãn tiến độ đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Lãi suất cao buộc phải giãn tiến độ đầu tư ảnh 1
 
Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông hiện đang quản lý gần 10.000 ha cao su, trong đó diện tích cao su trồng trong nước là 8.300 ha và 1.100 ha được trồng tại Campuchia. Đây cũng là một doanh nghiệp có quy mô lớn, quản lý gần 3.000 lao động, doanh thu và lợi nhuận lớn, liên tục tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, nhưng theo Tổng Giám đốc Phan Sỹ Bình (ảnh bên) thì doanh nghiệp đang phải giãn tiến độ đầu tư trồng mới vì lãi suất quá cao.


Thưa ông, mấy năm gần đây giá mủ cao su liên tục tăng và luôn ở mức cao, điều đó rất thuận lợi cho việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp?

Điều đó chỉ đúng một phần. Giá mủ cao su tăng cao nhưng đồng thời giá các loại vật tư, phân bón… là đầu vào cũng tăng cao nên lợi nhuận hạn chế. Nếu giá mủ cao su xuống đến 70 triệu đồng/tấn là doanh nghiệp gặp khó khăn ngay. Nhưng rất may giá mủ cao su đang khá ổn định, doanh nghiệp cũng đang có lãi và thuận lợi nhất định trong sản xuất, kinh doanh.

Như vậy có nghĩa là trong năm nay doanh nghiệp sẽ tập trung cho việc đầu tư mở rộng sản xuất?

Cũng không hẳn là vậy. Nếu như những năm trước đây, doanh nghiệp gặp khó khăn về đất đai, lao động… thì năm nay xuất hiện khó khăn mới là lãi suất. Theo kế hoạch ban đầu, việc trồng mới 6.500 ha cao su trên đất Campuchia sẽ kết thúc trong vòng 3 năm (từ 2010 đến 2013), nhưng hiện nay với lãi suất tiền vay để đầu tư quá cao, lên đến 25%/năm nên doanh nghiệp phải giãn tiến độ đầu tư trồng mới. Theo quy định thì cơ cấu vốn trồng mới cao su đầu tư tại nước ngoài là 50/50, tức là doanh nghiệp tự bỏ vốn ra một nửa và nửa còn lại phải bắt buộc đi vay để đầu tư. Ràng buộc này dù doanh nghiệp có năng lực về tài chính đi nữa vẫn phải đi vay theo quy định. Đặc trưng riêng đối với trồng cây cao su là khá dài, nếu tính từ lúc bắt đầu trồng đến khi có thu hoạch sản phẩm trung bình là 7 năm và cần đầu tư khoảng 200 triệu đồng/ha.

Những năm trước, lãi suất vay thường ở mức trung bình từ 10% đến 14%/năm là khá hợp lý, doanh nghiệp đi vay để đầu tư trồng mới cao su, có thể chỉ từ 10 đến 12 năm sẽ thu hồi vốn. Tuy nhiên, với lãi suất hiện thời mà đi vay để đầu tư trồng mới cao su thì phải đến 24 năm sau doanh nghiệp mới có khả năng thu hồi vốn, một khoảng thời gian quá dài, rủi ro vì thế quá lớn.

Vậy giải pháp của doanh nghiệp là gì?

Trong năm nay, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông chỉ trồng mới 1.000 ha trong nước và tạm giãn tiến độ đầu tư ở nước ngoài. Ngoài việc chờ lãi suất hạ xuống mức hợp lý, nếu được Chính phủ điều chỉnh quy định tỷ lệ vốn vay, nâng mức vốn đầu tư tự có của doanh nghiệp lên 70% thay vì 50% định mức vốn vay tín dụng bắt buộc để đầu tư ở nước ngoài và 70% vay để đầu tư trồng mới cao su trong nước thì việc đầu tư của các doanh nghiệp trồng cao su sẽ thuận lợi hơn…

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Anh Phượng (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm