Tin tức

Báo Mỹ: Nhà Trắng ra tối hậu thư buộc FDA cấp phép vắc-xin

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows đã yêu cầu lãnh đạo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) Stephen Hahn cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin của hãng Pfizer cuối ngày 11-12 (giờ địa phương) hoặc đối mặt nguy cơ bị sa thải.
Theo tờ The Washington Post, cảnh báo trên thúc giục ông Hahn và FDA phải đẩy nhanh thời gian phê duyệt vắc-xin ngừa dịch Covid-19 đầu tiên của Mỹ và đối tác BioNTech (Đức) từ sáng 12-12 sang tối 11-12 (giờ địa phương).
Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã công kích ông Hahn trên mạng Twitter, phàn nàn FDA là "một con rùa lớn, già và chậm chạp". Ông Trump công khai chỉ trích tốc độ của quá trình xem xét vắc-xin của FDA. Ông Trump viết: "Cung cấp vắc-xin ngay, Tiến sĩ Stephen Hahn. Ngừng chơi đùa và cứu mạng người khác đi".
 
Ông Stephen Hahn cho biết FDA đang nỗ lực làm việc xem xét quá trình cấp phép khẩn cấp sử dụng vắc-xin. Ảnh: Reuters
Ông Stephen Hahn cho biết FDA đang nỗ lực làm việc xem xét quá trình cấp phép khẩn cấp sử dụng vắc-xin. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, ông Hahn cho rằng thông tin về cuộc điện đàm giữa ông và Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows không đúng sự thật. Theo ông Hahn, FDA được khuyến khích tiếp tục khẩn trương làm việc nhằm cấp phép khẩn cấp vắc-xin của Pfizer và BioNTech, đồng thời FDA cam kết sẽ cấp phép một cách nhanh chóng.
TS Ashish Jha, hiệu trưởng trường y tế công của Trường ĐH Brown, cho rằng áp lực từ chính quyền của ông Trump có thể làm mất niềm tin của công chúng vào vắc-xin.
Theo đài CNBC, sự thất vọng của ông Trump đối với FDA ngày càng gia tăng, đặc biệt là khi các quốc gia khác như Anh và Canada đã nhanh chân hơn Mỹ trong việc phê duyệt khẩn cấp sử dụng vắc-xin ngừa dịch Covid-19. Một quan chức chính quyền cấp cao cho biết Chánh văn phòng Nhà Trắng Meadows đưa ra tối hậu thư cho ông Hahn theo chỉ đạo của Tổng thống Trump.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự kiến đưa ra quyết định về việc có chấp thuận sử dụng khẩn cấp vắc-xin Covid-19 của Pfizer, Moderna và AstraZeneca trong những tuần tới hay không. Sự chấp thuận của WHO có thể cho phép triển khai vắc-xin ở một số quốc gia, nơi có các cơ quan quản lý y tế chưa thể đánh giá.
Trong diễn biến cuộc đua vắc-xin toàn cầu, các nhà khoa học Anh và Nga đang kiểm tra xem liệu việc kết hợp các mũi tiêm vắc-xin của Oxford-AstraZeneca và Sputnik V có thể mang lại hiệu quả bảo vệ tốt hơn so với hai liều của cùng một loại hay không. Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF), tài trợ cho việc phát triển vắc-xin Sputnik V của Viện Gamaleya (Nga), cho biết hôm 11-12 các cuộc thử nghiệm sẽ bắt đầu vào cuối năm nay.
Xuân Mai (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm