Cuộc thi viết về chủ đề "Thành phố Pleiku: Bản sắc và Hiện đại"

Vườn tượng Pleiku ý tưởng có thành hiện thực?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ý tưởng về một vườn tượng tại Pleiku đã manh nha nhưng có thành hiện thực hay không thì còn phụ thuộc vào quyết tâm và lòng nhiệt thành từ nhiều phía.

Vườn tượng (hoặc công viên điêu khắc) là công viên ngoài trời trưng bày các tác phẩm điêu khắc nằm giữa không gian rộng mở của thiên nhiên. Đây là nơi người dân và du khách tham quan, check-in và hiểu thêm về đời sống văn hóa của một thành phố.

Nhà điêu khắc Nguyễn Vinh bên bức tượng chân dung chí sĩ yêu nước Lê Văn Huân (ảnh nhân vật cung cấp).

Nhà điêu khắc Nguyễn Vinh bên bức tượng chân dung chí sĩ yêu nước Lê Văn Huân (ảnh nhân vật cung cấp).

Nhiều năm trở lại đây, vườn tượng không còn là khái niệm xa lạ khi mô hình này đã xuất hiện bên Hồ Gươm, tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội), ở trung tâm TP. Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), bên bờ sông Hương (TP. Huế), tại Công viên APEC (TP. Đà Nẵng), trong Công viên Tao Đàn (TP. Hồ Chí Minh), nơi rừng thông Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) hay giữa gió biển Quy Nhơn (tỉnh Bình Định)… Các tác phẩm nghệ thuật được sắp đặt giữa không gian mở này hòa hợp với thiên nhiên, khẳng định bản sắc đô thị.

Cách đây 3 năm, nhà điêu khắc Nguyễn Vinh-Phó Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Gia Lai đã đề cập đến việc nên có một quy hoạch về khu vườn tượng nghệ thuật tại Pleiku. Nhưng có lẽ do thời điểm đó, người người, nhà nhà đang gồng mình chống dịch Covid-19 nên ý tưởng này trôi vào quên lãng.

Dù vậy, anh vẫn ấp ủ mong mỏi làm cho thành phố mình đang sống đẹp lên mỗi ngày bằng ý tưởng vận động xã hội hóa xây dựng một không gian nghệ thuật tạo điểm nhấn cho diện mạo đô thị Pleiku. Vị trí trưng bày vườn tượng có thể dọc đường Anh Hùng Núp (cạnh Quảng trường Đại Đoàn Kết) hoặc dọc suối Hội Phú-đoạn từ đường Bà Triệu đến chùa Minh Thành.

Theo nhà điêu khắc Nguyễn Vinh, khu vườn tượng sẽ trưng bày các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tôn vinh đất nước, con người, cuộc sống và tình yêu… Tất nhiên, không thể thiếu những tác phẩm mang đậm dấu ấn Tây Nguyên. Trước mắt, nếu chưa thể hoàn thiện bằng những chất liệu bền vững như đá, đồng thì có thể đắp bằng xi măng.

Nhằm góp phần hiện thực hóa ý tưởng lãng mạn này, anh khẳng định sẵn sàng đóng góp khoảng 10 tượng (có chiều cao 2-3 m). Một trong số đó là tượng chân dung Anh hùng Núp bằng chất liệu composite, kích thước 2,3x1,4 m.

Khi ý tưởng được nêu ra, nhà điêu khắc Nguyễn Vinh nhận được sự đồng tình của giới mỹ thuật. Nhiều năm qua, anh được UBND TP. Pleiku tín nhiệm đặt hàng sáng tạo linh vật của năm để trưng bày tại Quảng trường Đại Đoàn Kết mỗi dịp Tết Nguyên đán. Anh cũng đã có tác phẩm được Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh sưu tập. Mới đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đặt vấn đề mua lại tác phẩm “Lòng đất rỗng 4” của anh sau khi góp mặt tại triển lãm 5 năm điêu khắc toàn quốc.

Anh cho biết thêm: Một số điêu khắc gia ở các tỉnh, thành trong cả nước khẳng định hưởng ứng nếu có quy hoạch vườn tượng bài bản tại phố núi. Một công viên điêu khắc phong phú về chủ đề, đa dạng về phong cách của các tác giả tên tuổi chính là cách quảng bá hiệu quả cho văn hóa và du lịch không chỉ cho Pleiku.

Suối Hội Phú sẽ trở thành điểm check in ấn tượng của du khách nếu được bố trí thêm một khu vườn tượng nghệ thuật. Ảnh: Đức Thụy

Suối Hội Phú sẽ trở thành điểm check in ấn tượng của du khách nếu được bố trí thêm một khu vườn tượng nghệ thuật. Ảnh: Đức Thụy

Không chờ “dự án” trên, gần đây, nhà điêu khắc Nguyễn Vinh đã tặng tác phẩm cho một số địa chỉ phù hợp mở ra cơ hội tiếp cận với công chúng của nghệ thuật điêu khắc. Anh tặng Bảo tàng tỉnh tượng chân dung họa sĩ Xu Man, tặng 2 tượng chân dung chí sĩ yêu nước Lê Văn Huân và sư Thiện Chiếu cho Bảo tàng Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).

Trong một bài viết gần đây, nhà thơ Thanh Thảo, người có nhiều kỷ niệm sâu sắc với Pleiku gợi ý: “Bây giờ trên thế giới đang có phong trào xây dựng những thành phố thông minh. Đó là điều cần thiết. Nhưng thế giới vẫn biết, như một định luật toán về sự bất toàn, còn những gì nữa bên ngoài sự thông minh. Và đó là tiền đề để những ý tưởng về “thành phố cảm xúc” ra đời. Tôi nhớ bản nhạc Phạm Duy phổ bài thơ “Còn một chút gì để nhớ” của Vũ Hữu Định. Tôi nhớ những bức tranh của cố họa sĩ lão thành Nguyễn Thế Vinh vẽ những cô gái Bahnar Gia Lai đang giã gạo hay làm những việc lao động bình dị hàng ngày.

Cả nhạc, thơ và hội họa về Pleiku-Gia Lai, những tác phẩm ấy đều tràn đầy cảm xúc. Chỉ cần nhớ tới Pleiku là trong ta lại bồi hồi. Đó là cảm xúc mà một thành phố trao cho con người”.

Thành phố cảm xúc quả là một khái niệm mới mẻ. Điều này sẽ trở thành hiện thực khi có quyết tâm xây dựng “thương hiệu” riêng cho Pleiku. Để ngoài dáng vẻ năng động, hiện đại, vùng đất này còn được nhớ đến với chất thi ca, mỹ thuật sâu lắng khó lẫn. Vấn đề là ngoài ý tưởng và tấm lòng nghệ sĩ thì rất cần sự quan tâm đúng mức của các cấp, các ngành liên quan.

Có thể bạn quan tâm