Cuộc thi viết về chủ đề "Thành phố Pleiku: Bản sắc và Hiện đại"

“Sứ giả” ẩm thực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không chỉ nổi tiếng trong giới ship đồ ăn đêm, anh Nguyễn Thanh Hải (SN 1998, tổ 5, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) còn được biết đến như một “bách khoa toàn thư” về ẩm thực ở phố núi Pleiku.

Trang cá nhân của anh đã trở thành kênh quảng bá những món ăn đặc trưng, kết nối du khách đến với thế giới ẩm thực phong phú của Pleiku.

Khởi nghiệp với nghề ship đồ ăn đêm

Sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, anh Hải ra Hà Nội học nghề đầu bếp. Trong thời gian học tập, anh bỏ thời gian tìm hiểu và thấy mình có hứng thú với nghề ship đồ ăn đêm, một nghề vẫn còn khá xa lạ ở Pleiku khi đó.

Năm 2018, anh về Gia Lai làm nhân viên pha chế tại một quán cà phê. Nhận thấy mảng dịch vụ ship đồ ăn đêm vẫn còn trống nên anh bắt tay vào làm thử nhằm kiếm thêm thu nhập. Mỗi ngày, sau khi hoàn thành công việc ở quán cà phê vào lúc 21 giờ, anh bắt đầu đi chụp các món ăn ở khu vực chợ đêm Pleiku và đăng lên mạng xã hội Facebook để nhận ship.

Mỗi ngày, anh Nguyễn Thanh Hải nhận khoảng hơn 100 đơn ship đồ ăn khuya. Ảnh: L.V.N

Mỗi ngày, anh Nguyễn Thanh Hải nhận khoảng hơn 100 đơn ship đồ ăn khuya. Ảnh: L.V.N

Thời gian đầu, dịch vụ của anh Hải khá vắng khách. Nhiều đêm, anh thức đến 2-3 giờ sáng nhưng cũng chỉ có một vài người quen ủng hộ. Bởi vậy, không chỉ ship đồ ăn, anh còn nhận mua nhiều món hàng khác nhau như: thuốc Tây, sạc điện thoại, bánh sinh nhật, hoa… cho khách hàng để mở rộng mạng lưới.

“Khi đó, lương làm pha chế chỉ có 5 triệu đồng/tháng nên tôi tận dụng khoảng thời gian sau 21 giờ để làm thêm. Ban đầu, nhiều lúc nản chí vì ít người đặt mua mà phải thay đổi giờ giấc sinh học, chuyển qua cuộc sống về đêm. Có hôm mưa gió, sương dày mù mịt vẫn phải len lỏi khắp các con hẻm để ship hàng. Thấy tôi vất vả nên gia đình ngăn cản không cho làm nghề này nữa. Khi dịch Covid-19 bùng phát, dịch vụ của tôi mới thực sự bùng nổ, vì nhiều người hạn chế ra đường mà muốn mua đồ ăn giao tới tận nhà”-anh Hải thổ lộ.

Theo anh Hải, dịch vụ ship đồ ăn đêm có ưu thế hơn so với ứng dụng GrabFood vì khách hàng có thể lựa chọn mua nhiều món ăn ở địa điểm khác nhau trong cùng 1 đơn hàng thay vì phải tạo đơn hàng mới. Khách có thể mua ở bất kỳ nơi nào thay vì giới hạn ở những cửa hàng có liên kết với GrabFood. Đặc biệt, khách hàng có thể nhờ tư vấn món ăn, các địa điểm bán món ăn đó ngon, giá cả phải chăng… Mỗi đơn hàng tùy theo khoảng cách mà có phí ship 15-30 ngàn đồng.

Do nhu cầu của khách hàng ngày càng cao nên anh Hải tìm thêm người để tạo thành nhóm ship đồ ăn đêm do anh quản lý và vận hành. Anh trở thành “tổng đài” tiếp nhận các cuộc gọi đặt đồ ăn của khách, sau đó điều phối các shipper trong nhóm đi giao hàng. Hiện nay, nhóm của anh có 8 thành viên, hoạt động từ 11 giờ trưa hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau.

“Mỗi ngày, nhóm nhận 120-140 đơn hàng, có ngày khoảng gần 200 đơn nên thu nhập của các thành viên tương đối ổn định. Một shipper chăm chỉ có thể đạt 10-15 triệu đồng/tháng”-anh Hải cho hay.

Cũng theo anh Hải, mức thu nhập có sự hấp dẫn là vậy nhưng nghề ship đồ ăn đêm lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Yêu cầu đặt ra là phải giao đồ ăn nhanh, kịp thời để đảm bảo chất lượng và khách không phải đợi lâu nên các shipper luôn bị áp lực về thời gian. Việc thường xuyên di chuyển bằng xe máy trên đường nên thỉnh thoảng xảy ra các vụ va chạm giao thông. Bên cạnh đó, trong quá trình vận chuyển, nếu đồ ăn không còn nguyên vẹn thì shipper hoàn toàn phải chịu trách nhiệm đền bù.

Anh Hải bày tỏ: “Vất vả nhất chính là hầu hết thời gian làm việc vào ban đêm. Đặc biệt là những ngày mưa gió, lượng khách đặt nhiều, chúng tôi phải đội mưa phục vụ trong đêm tối. Bản thân tôi cũng từng bị ngã xe trong một lần giao hàng như vậy. Có những lần khách dặn tô phở không hành nhưng khi đặt thì shipper quên nói với chủ quán hoặc chủ quán lỡ tay, shipper buộc phải mua lại phần khác cho khách”.

“Sứ giả” ẩm thực

Sau hơn 5 năm gắn bó với nghề, hiện nay, trang Facebook cá nhân của anh Hải có hơn 51.000 người theo dõi. Trang “Ship đồ ăn đêm Pleiku” do anh quản trị cũng có hơn 2.500 người theo dõi. Sổ tay của anh Hải cũng lưu trữ hàng trăm số điện thoại của các hàng quán tại TP. Pleiku. Đây rõ ràng là kênh quảng bá hiệu quả ẩm thực của phố núi cũng như tạo ra sự kết nối.

Theo anh Hải, nhiều khách hàng của anh là khách du lịch đến từ mọi miền đất nước. Khi đến TP. Pleiku tham quan, họ đều mong muốn tìm được một điểm bán đồ ăn ngon để thưởng thức nên thường tìm đến dịch vụ của anh.

Bí kíp của nghề ship đồ ăn là phải chụp ảnh món ăn bắt mắt, thu hút người xem (ảnh chụp màn hình)

Bí kíp của nghề ship đồ ăn là phải chụp ảnh món ăn bắt mắt, thu hút người xem (ảnh chụp màn hình)

Tuy nhiên, để thu hút khách hàng, bản thân anh Hải phải học hỏi rất nhiều từ các dịch vụ tương tự ở những địa phương khác. Trong đó, việc bài trí món ăn và đầu tư hình ảnh được xem là bí kíp của nghề. Do đó, anh đã mày mò tự bài trí các món ăn rồi chụp ảnh, quay phim làm sao để món ăn được bắt mắt và hấp dẫn nhất. Anh cũng bỏ thời gian tìm hiểu, trải nghiệm ở nhiều hàng quán để có những tư vấn chân thực nhất với khách hàng.

Anh Hải bày tỏ: “Nhiều quán muốn trả phí để review nhưng tôi không nhận. Tôi vẫn đến ăn thử và tùy theo đánh giá của bản thân để tư vấn cho khách.

Xác định làm nghề này lâu dài thì phải giữ uy tín, tư vấn làm sao khách quan nhất thì mới trụ lại được giữa thời đại công nghệ phát triển có rất nhiều ứng dụng tiện lợi để đặt đồ ăn. Tôi tin nghề của mình vẫn có chỗ đứng trong tương lai và luôn tin rằng việc tôi làm sẽ góp một phần nào đó vào quảng bá ẩm thực Gia Lai đến bạn bè gần xa”.

Chị Nguyễn Thủy Tiên (TP. Đà Nẵng) chia sẻ: “Tôi thường lên TP. Pleiku công tác nhưng không rành về ẩm thực nơi đây. Trong một lần tình cờ, tôi thấy các món ăn bắt mắt mà anh Hải đăng lên mạng xã hội nên đã gọi đặt và rất ưng ý. Từ những lần như thế, tôi được thưởng thức nhiều món ăn ngon và cũng được tư vấn các địa điểm mua bánh, trái cây… về làm quà cho mọi người”.

Có thể bạn quan tâm