Cuộc thi viết về chủ đề "Thành phố Pleiku: Bản sắc và Hiện đại"

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ 2: Bản sắc văn hóa Jrai với góc nhìn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Với thực trạng của những buôn làng Jrai, Bahnar ở TP. Pleiku hiện nay thì khó có thể khôi phục nguyên mẫu như một “bảo tàng sống” mà trước đây có người đề xuất.

3them-doi-cong-chieng-pleiku-roh-764.jpg
Đội cồng chiêng Pleiku Roh. Ảnh: Hùng Hoa Lư

Nhắc đến bản sắc văn hóa Jrai là đề cập hệ thống giá trị văn hóa truyền thống và các di sản đặc sắc của dân tộc này. Theo tài liệu nghiên cứu khoa học của cố Thạc sĩ Chử Lương Đào thì người Jrai ở Tây Nguyên có 5 nhóm và 7 dòng họ, là dân tộc thiểu số (DTTS) đông nhất ở Gia Lai. Người Jrai lấy kinh tế trồng trọt làm gốc, họ có các hma (ruộng, rẫy, vườn). Các vật nuôi chủ yếu là bò, heo, gà, chó, dê, ngựa, voi. Các nghề phụ như: mộc, đan lát, dệt, rèn.

Về kiến trúc nhà cửa, đồng bào Jrai thường ở nhà sàn, lợp cỏ tranh, cửa chính quay về hướng Bắc. Một số vùng làng có nhà rông, một số vùng khác không có. Ẩm thực chủ yếu là cơm tẻ, muối giã ớt, canh rau rừng, có thể trộn thêm tép, cà đắng, cá, thịt nướng.

Về trang phục, đàn ông ở trần hoặc mặc áo chui đầu, mở ngực và đóng khố; phụ nữ mặc áo chui đầu, không xẻ, mặc váy. Họ ở thành làng, có hội đồng già làng điều hành bằng luật tục của cộng đồng. Người Jrai theo chế độ mẫu hệ, người con trai khi kết hôn phải về ở nhà vợ. Người phụ nữ quản lý mọi việc trong gia đình. Mỗi làng có nghĩa địa chung nằm ở phía Tây.

Kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian của người Jrai rất đa dạng, phong phú như: sử thi, truyện cổ, truyện cười, câu đố… Hàng năm, có các lễ hội trong nông nghiệp, vòng đời người và các lễ hội cộng đồng như: cúng nhà rông, bến nước, mừng chiến thắng… Họ có hát dân ca, hát giao duyên, đồng thời dùng các loại nhạc cụ: cồng chiêng, trống và các loại đàn bằng tre nứa; phụ nữ thì xoang trong các dịp lễ hội.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Quan tâm, tạo điều kiện phát triển văn hóa, văn nghệ của các DTTS”.

Cụ thể hóa vấn đề này, các địa phương đã chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS gắn với di tích lịch sử văn hóa từng vùng miền, địa phương. Có cơ chế phát huy vai trò của nghệ nhân, già làng, trưởng thôn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở các vùng DTTS; khuyến khích cộng đồng tham gia bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, ngăn chặn nguy cơ làm mai một, sai lệch hoặc thất truyền.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS, những năm qua, chính quyền TP. Pleiku đã tiến hành điều tra, quy hoạch và ban hành nhiều chính sách nhằm ổn định cuộc sống của người dân, đồng thời tạo điều kiện để các buôn làng giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc mình, bảo tồn các di sản đặc sắc của cha ông để lại.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, đặc biệt là sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung, cùng với xu thế phát triển của đô thị với tốc độ khá nhanh đã kéo theo sự đổi thay căn bản các buôn làng, buộc họ phải thích nghi dần với cuộc sống của cư dân đô thị; điều kiện để thực hiện các nghi lễ truyền thống như không gian, các vật chất cần thiết không còn, dần dần nhiều phong tục, tập quán bị mai một và chỉ còn trong ký ức của người lớn tuổi.

Hiện nay, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của TP. Pleiku. Ngành Văn hóa đã biết lựa chọn, khai thác bản sắc từ các di sản văn hóa-nghệ thuật dân gian các DTTS để thu hút du khách, đồng thời tạo sinh kế cho các thành viên trong cộng đồng.

Chính quyền TP. Pleiku chọn một số làng Jrai có điều kiện và còn lưu giữ những di sản truyền thống đặc sắc như: Plei Ốp (phường Hoa Lư), Ia Nueng (xã Biển Hồ) để phục hồi và tái tạo vừa phục vụ công tác bảo tồn, vừa phát triển du lịch địa phương.

Tại làng Ốp, chính quyền thành phố cho xây dựng ngôi nhà rông với không gian rộng, có cây nêu và vườn tượng gỗ dùng cho sinh hoạt lễ hội, có bến nước Ia O, có khu nhà mồ… Đồng thời, Plei Ốp đã khôi phục các đội cồng chiêng, xoang và văn hóa ẩm thực để phục vụ du khách khi có yêu cầu.

2phuc-dung-le-hoi-an-trau-o-plei-op-7262.jpg
Phục dựng lễ hội ăn trâu ở Plei Ốp, phường Hoa Lư. Ảnh: Hùng Hoa Lư

Nếu chỉ nhìn thoáng qua những biểu hiện bề nổi của cộng đồng thông qua biểu diễn cồng chiêng, chơi các nhạc cụ tre nứa hay ẩm thực thì khó phân biệt được tộc người Jrai khác với người Bahnar, mà phải đi sâu vào chi tiết như sử dụng các bài chiêng truyền thống với tiết tấu đặc thù, trang phục, nghi lễ, nếp sống sinh hoạt trong cộng đồng và gia đình…

Do vậy, bản sắc văn hóa dân tộc có thể hiểu là những giá trị vật chất, tinh thần được dân tộc đó sáng tạo trong quá trình lịch sử, là nét độc đáo rất riêng của dân tộc này so với dân tộc khác. Nhưng bản sắc văn hóa có bất biến hay có sự biến đổi trong quá trình phát triển lịch sử. Đây là vấn đề còn nhiều bàn cãi của các nhà nghiên cứu văn hóa.

Trong thực tế, người Jrai ở Plei Ốp trước đây theo tín ngưỡng đa thần, nay đa phần theo Công giáo thì tất nhiên các nghi lễ của vòng đời người, nghi lễ trong nông nghiệp hay của cộng đồng buôn làng đều không thể thực hành theo truyền thống, mặc dù già làng có thể còn nhớ các nghi thức và dễ dàng phục dựng lại một cách bài bản như ngày xưa cha ông mình đã làm.

Tại một số buôn làng khác ở TP. Pleiku, dù người dân không theo tôn giáo nào nhưng các điều kiện về vật chất và không gian để thực hành văn hóa truyền thống không có thì không thể tổ chức các lễ hội theo phong tục hàng năm.

Như vậy, trong bối cảnh mới với dòng chảy đô thị hóa thì những “thành tố” người Jrai cho là bản sắc của mình buộc phải thay đổi để thích nghi với môi trường mới và dần dần sẽ hình thành bản sắc mới.

Chúng tôi cho rằng, với thực trạng của những buôn làng Jrai, Bahnar ở TP. Pleiku, kể cả vài ba làng người Jrai được đánh giá còn nguyên bản trước đây, nay đã hoàn toàn biến đổi, khó có thể khôi phục nguyên mẫu như một “bảo tàng sống” mà trước đây có người đề xuất.

Bảo vệ quan điểm này, Tiến sĩ Đoàn Thị Tuyến cho rằng: “Bản sắc chỉ là tương đối vì có thể biến đổi, hoặc đó là công cụ, phương tiện để đạt mục đích, nên tùy hoàn cảnh xã hội mà có các chiến lược bản sắc linh hoạt. Bản sắc là một cấu trúc xã hội không ngừng chuyển động: tự cấu trúc, tự giải cấu trúc và tự tái cấu trúc theo hoàn cảnh” (Bản sắc văn hóa từ góc độ lý thuyết).

laychuan-logo-ban-sac-va-hien-dai-965.jpg

Có thể bạn quan tâm