Cuộc thi viết về chủ đề "Thành phố Pleiku: Bản sắc và Hiện đại"

Không gian mặt nước: “Tài nguyên” trong phát triển đô thị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Cây xanh và không gian mặt nước là 2 yếu tố cơ bản giúp điều hòa khí hậu, tăng độ ẩm, giảm ô nhiễm, tạo cảnh quan đô thị. Vì vậy, cùng với sự quan tâm tôn tạo mảng xanh, yếu tố mặt nước luôn được chú trọng để làm nên sự hài hòa trong phát triển đô thị Pleiku.

Ngoài những tác dụng kể trên, theo các chuyên gia, yếu tố mặt nước có vai trò to lớn trong điều hòa nước mưa, giảm ngập úng cục bộ trong điều kiện hệ thống thoát nước còn hạn chế. Đây còn là tác nhân tham gia vào quá trình xử lý nước thải với khả năng tự đào thải chất ô nhiễm qua các quá trình làm sạch tự nhiên diễn ra trong môi trường nước. Hiệu quả sử dụng mặt nước đô thị còn được tăng cường thông qua việc nuôi thủy sản.

Biển Hồ (TP. Pleiku) có vai trò cung cấp nguồn nước sinh hoạt, điều hòa khí hậu, đồng thời là điểm đến hấp dẫn du khách. Ảnh: Phạm Quý

Biển Hồ (TP. Pleiku) có vai trò cung cấp nguồn nước sinh hoạt, điều hòa khí hậu, đồng thời là điểm đến hấp dẫn du khách. Ảnh: Phạm Quý

Thành phố Pleiku đang sở hữu nguồn “tài nguyên” không gian mặt nước khá phong phú. Đầu tiên phải kể đến Biển Hồ với diện tích mặt nước rộng 228 ha, được ví như viên ngọc bích của cao nguyên xanh với vai trò cung cấp nguồn nước sinh hoạt, điều hòa khí hậu, đồng thời là điểm đến hấp dẫn du khách. Nằm cạnh “đôi mắt Pleiku” là hồ tự nhiên Ia Nong (làng Bruk Ngol, phường Yên Thế) với diện tích mặt nước hơn 1.000 m2, phục vụ nước tưới cà phê và nuôi thủy sản của hơn 80 hộ dân. Khu vực phía Đông thành phố còn có hồ Trà Đa rộng 40 ha, cung cấp nước tưới cho những cánh đồng lúa và cây công nghiệp bạt ngàn xung quanh. Trong khi đó, ở khu vực phía Tây không thể không nhắc đến hồ Núi Đá nằm lọt thỏm giữa thung lũng góp phần điều hòa nước mưa và là điểm đến ưa thích của đông đảo người dân và du khách.

Suối Hội Phú-"dải lụa" giữa phố. Ảnh Đ.T

Suối Hội Phú-"dải lụa" giữa phố. Ảnh Đ.T

Công viên Diên Hồng sở hữu không gian mặt nước rộng lớn với diện tích 12,3 ha của hồ Ia Kring; hiện được đầu tư tôn tạo để phát huy vẻ đẹp đầy sức hút của “hồ trên núi”. Uốn lượn giữa phố giờ đây còn có suối Hội Phú trong lành với cảnh quan đẹp mắt sau nhiều nỗ lực quy hoạch, xóa “điểm đen” ô nhiễm môi trường. Đáng mừng, quy hoạch phân khu xây dựng suối Hội Phú không ưu tiên nhiều cho việc bố trí đất xây dựng nhà ở mà theo định hướng tăng diện tích mặt nước cũng như: diện tích cây xanh, đất giao thông, công trình công cộng và hình thành các hồ nước, đập nước điều hòa cho toàn khu vực. Theo ông Trần Mạnh Trường-Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Pleiku, thành phố sẽ khai thác tối đa không gian hướng ra khu vực suối Hội Phú, chú trọng phát triển không gian xanh và mặt nước, hình thành không gian đô thị mới 2 bên suối theo địa hình tự nhiên để phát triển dịch vụ, giải trí và sinh hoạt cộng đồng.

Giá trị mang lại của yếu tố mặt nước là điều không thể phủ nhận trong quy hoạch phát triển đô thị. Do đó, làm gì để bảo tồn, mở rộng không gian mặt nước là điều nên tính đến. Theo các chuyên gia, mặt nước là một bộ phận không gian mở, gồm: sông, hồ, suối, thác nước, mảng nước tiểu cảnh trang trí công trình. Bên cạnh bảo tồn các diện tích mặt nước đã có ở Pleiku, nên chăng quan tâm yếu tố này trong thiết kế các công trình công cộng, ví dụ làm đài phun nước, thác nước nhân tạo… Không ngẫu nhiên mà tại khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết hiện diện 1 hồ sen nhỏ. Trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh cũng có 1 hồ nước vừa để làm đẹp cảnh quan, vừa nhằm giáo dục lịch sử thông qua mô hình nổi tái hiện các quần đảo của Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn-Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội-từng ví von: “Nếu coi đô thị là một cái nhà thì không gian công cộng chính là phòng khách của cái nhà ấy và vì thế được coi là bộ mặt chủ đạo của đô thị. Đây chính là nơi phản ánh rõ nhất bản sắc, phong cách của mỗi thành phố”. Quan tâm đúng mức, đảm bảo hài hòa trong phát triển cây xanh và yếu tố mặt nước tại các không gian công cộng chính là phương cách tạo dựng bản sắc cho Pleiku-“Thành phố cao nguyên xanh vì sức khỏe”.

Tác động tích cực của không gian mặt nước đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người khu vực đô thị, nơi có mật độ dân cư cao là điều không phải bàn cãi. Một khoảng thở, một khoảng mát dịu giữa thiên nhiên là sự xoa dịu tốt nhất cho tâm trí, giữa bộn bề áp lực cuộc sống. Điều đó lý giải vì sao khách du lịch thường thích tìm đến những nơi có biển, sông, hồ để giải tỏa căng thẳng. Chú trọng không gian mặt nước vì thế sẽ góp phần mạnh mẽ vào phát triển du lịch-“kinh tế xanh” của TP. Pleiku.

Có thể bạn quan tâm