Xã hội

Gia đình

Bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt: Cần cộng đồng trách nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, tại Gia Lai, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt luôn được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số em chưa được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có 441.571 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 29,4% dân số toàn tỉnh. Trong đó, có trên 5.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm 1,2%; 84.867 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, chiếm 19,2%.
Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Kết quả kiểm tra công tác chăm sóc trẻ em cho thấy, một vài địa phương vẫn chưa thật sự coi trọng mục tiêu này. Một bộ phận người dân cũng chưa nhận thức đầy đủ về công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, dẫn đến một số em thiếu sự quan tâm đầy đủ, kịp thời.
“Trên cơ sở đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội vừa có văn bản chỉ đạo, vừa kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với trẻ mồ côi, trẻ em tàn tật nặng, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để trợ cấp kịp thời, cấp thẻ bảo hiểm y tế, phục hồi chức năng, tạo điều kiện giúp các em ổn định cuộc sống. Ngoài ra, các địa phương cần tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện để triển khai các chương trình hỗ trợ đối với trẻ em tàn tật, trẻ em mồ côi như: chỉnh hình phục hồi chức năng, tặng xe lăn, xe lắc, dạy nghề, giáo dục định hướng, hỗ trợ đời sống, giúp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt hòa nhập cộng đồng”-bà Duyên thông tin.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở xã Ia Ko (huyện Chư Sê). Ảnh: Đinh Yến
Cùng với đó, hàng năm, Sở phối hợp với các ngành, địa phương, cộng đồng cùng chung tay xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Làng trẻ em SOS Pleiku... Từ đầu năm đến nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã trao tặng hơn 200 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Vào các dịp Tết Nguyên đán, Tháng Hành động vì trẻ em, Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, khai giảng năm học mới, Tết Trung thu, các địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, thăm hỏi, tặng xe đạp, học bổng... cho hàng ngàn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với tổng trị giá hơn 500 triệu đồng.
Ngoài ra, 100% trẻ em thuộc hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ bằng các hình thức như: trợ cấp, hỗ trợ theo chính sách, cấp học bổng, thăm hỏi, tặng quà, cấp bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí; 100% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật, trẻ em nhiễm chất độc hóa học, nhiễm HIV/AIDS đã được quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng tại gia đình hoặc các cơ sở bảo trợ xã hội của tỉnh, được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước theo quy định. Đặc biệt, trẻ em khuyết tật đã được hỗ trợ thăm khám sức khỏe, phục hồi chức năng, được học hòa nhập trong các nhà trường.
Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chia sẻ: “Điều đáng mừng là tỉnh ta hiện không còn tình trạng trẻ em sống lang thang, cơ nhỡ. Công tác phòng ngừa, bảo vệ trẻ em bị xâm hại được chú trọng. Hầu hết số vụ vi phạm quyền trẻ em đã được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý kịp thời”.
Bên cạnh kết quả đạt được, tình trạng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt tại tỉnh ta còn chiếm tỷ lệ khá cao. Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục có xu hướng tăng, số trẻ em bị tai nạn thương tích và tử vong do tai nạn thương tích vẫn còn nhiều, nhất là đuối nước; vẫn còn tình trạng trẻ em lao động sớm, trẻ lao động trong điều kiện nặng nhọc... Trong số này, một số em chưa được thụ hưởng kịp thời, đầy đủ các chính sách của Nhà nước.
Mới đây, tại xã Ia Sao (huyện Ia Grai), qua tìm hiểu thực tế có 2 trường hợp là em Rơ Châm Thể (SN 2007, làng Tốt) bị câm điếc và em Nginh (làng Jek) bị khuyết tật, có đủ điều kiện hưởng chế độ bảo trợ xã hội nhưng còn bị “bỏ quên”. Trao đổi với P.V, ông Rơ Châm A Lối-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Sao-cho biết: “Chúng tôi sẽ thông báo, hỗ trợ gia đình làm hồ sơ để các cháu sớm được nhận tiền trợ cấp hàng tháng”.  
Theo Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, để khắc phục những hạn chế trên thì rất cần sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân.
“Cùng với đó, Sở tiếp tục chỉ đạo các địa phương phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan để triển khai những chương trình hỗ trợ khác nhau. Cụ thể: Sở Tư pháp tổ chức các buổi tư vấn, trợ giúp pháp lý cho các em; Sở Y tế, Ban Quản lý Dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện tỉnh thường xuyên tổ chức nói chuyện chuyên đề về phòng-chống suy dinh dưỡng; khám sàng lọc và chỉ định mổ miễn phí cho trẻ khuyết tật... Chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa để tất cả trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, đồng thời thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các em và trẻ có điều kiện tại nơi cư trú”-bà Rcom Sa Duyên nhấn mạnh.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm