Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Bát nước chè xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hồi trước, cư dân ở đồng bằng Bắc Bộ thường uống nước lá vối. Đây là thứ lá rất dễ trồng ở vườn nhà, nước vàng xanh có mùi tinh dầu thơm thoang thoảng.

Còn người xứ Nghệ quê tôi thì lại thường uống nước chè xanh. Các loại nước chè ấy đa phần hãm bằng lá tươi trong bình tích lớn. Chỉ những người giàu có mới uống trà (chè móc câu hoặc cũng gọi là chè Tàu), một thứ đọt chè xanh “1 tôm 2 lá” đảo chín, vò săn, sao khô quắt queo, dùng để pha hãm trong các ấm sành sứ nhỏ.

Người nghiện chè Tàu coi như hạng... “phá gia”. Trong tập truyện “Vang bóng một thời” của nhà văn Nguyễn Tuân, có chi tiết trong một câu chuyện mà tôi cứ khắc ghi mãi: Đó là một anh chàng thuộc hạng sành trà đang “thưởng” một ấm trà Tàu theo kiểu “độc ẩm”, bất ngờ có người hành khất bước vào, không xin cơm, không xin gạo, không xin tiền… mà chỉ xin một ngụm nước trà! Người hành khất nọ nhấp nhấp ngụm trà ra vẻ đăm chiêu rồi nói đại ý: Trà ngon, nhưng có mùi trấu! Người chủ nhà rất lấy làm ngạc nhiên, nhưng tỏ vẻ nghi ngại không tin. Người hành khất liền nói đại ý: Xưa kia, anh cũng thuộc vào hạng giàu sang. Vì nghiện trà mà tán gia bại sản nên ra nông nỗi này. Nói rồi, sau khi uống hết ly trà, người hành khất chào bái biệt. Đến khi đổ bã trà, chủ nhà để ý thì thấy quả thực là có mẩu trấu nhỏ lẫn ở trong bình trà. Ông rất thán phục tài “thưởng trà” của người hành khất nọ. Qua chi tiết nhỏ này cũng cho thấy, chè Tàu rất quý hiếm, lại đắt đỏ biết chừng nào; có thể khiến cho người nghiện nó phải khuynh gia bại sản.

Ảnh minh họa: MINH HUỆ

Ảnh minh họa: MINH HUỆ

Hồi nhỏ ở quê, tôi cũng đã từng nghe bà con dân làng bàn tán về những người có thú uống chè Tàu với những lời lẽ như chê bai, mai mỉa kẻ ăn chơi “phá gia chi tử” vậy! Có lẽ vì thế mà người xứ Nghệ quê tôi từ nhiều đời đã có thói quen uống nước chè xanh. Uống quanh năm suốt tháng. Nó như là một thứ nước sâm của nhà quê. Sau buổi cày, để lấy lại sức, người ta thường chế thêm mật mía vào bát nước chè xanh mà uống. Trâu bò kiệt quệ gầy rốc, người ta cũng đổ cái thứ nước chè xanh mật mía ấy mà khỏe lên, mập ra.

Trưa hè, giữa cái nắng thiêu đốt, thêm cơn gió Lào khô rát, đang mệt mỏi lừ đừ, làm bát nước nước chè xanh đặc kẹo thì mát lòng mát dạ. Buổi sáng, uống nước chè xanh có kèm món khoai lang luộc, thấy ngọt bùi, thơm ngon. Buổi tối thì quây quần bên giỏ ủ tích chè mà trò chuyện đủ thứ trên đời. Người dân xứ Nghệ uống nước chè xanh vào loại bát sứ lớn, rót đầy. Ngược lại, với uống nước trà chỉ 1/3 ly nhấp nháp, hít khà; chè xanh uống bát sứ lớn men trắng, có màu vàng sánh rất bắt mắt, bê bát nước là uống ừng ực, đã cơn khô cơn khát. Uống chè xanh phải đến căng bụng, phê chè. Người nghiện chè xanh thì phải uống thứ nước một “cắm tăm” mới đã. Cả xóm nhiều lúc xoay vòng mời nhau uống “nước mới”, là thứ chè xanh nước một ấy. Người quê có câu “Chè nấu lại/gái ngủ trưa” là thứ ôi!

Ở quê, người nghiện chè xanh rất hiểu về lá chè, cọng chè. Chè ngon phải là loại “chè quế”, là giống chè lá dày, giòn, phiến lá vừa phải, cọng lá, thân cành có màu nâu. Trà ấy nước xanh và thơm. Lúc còn ở quê, tôi thường thấy nhà ông thợ rèn quanh năm bên bếp than hừng hực là dồi dào hào phóng nước chè xanh nhất, đàn ông, con trai cả làng thường đến chốn ấy uống chè và tán gẫu đó đây đủ thứ chuyện. Ông thợ bảo: Nghề khói lửa phải uống chè xanh cho... đượm phổi! Mà cái ấm chè xanh của nhà thợ rèn lại khủng vô cùng. Một ngày đến mấy bình lớn, bà vợ không đủ sức vò lá chè, hàng ngày, cứ rửa sạch để ráo, chờ nước sôi thì cho vào cối đá giã dập nát, bỏ vào cái ấm đại mà hãm.

Thật ra, để hãm một ấm chè xanh đúng kiểu cũng cần kỹ năng. Người ta phải lựa từ lá chè, tốt nhất là cành bánh tẻ. Lá được nhặt kỹ, rửa sạch, đun một ấm siêu nước cho sôi già trên bếp. Lá chè xanh chờ có nước sôi mới vò kỹ cho vào bình tích, đổ một ít nước sôi vào tích chè, súc kỹ và gạn kiệt. Đó là động tác rửa sạch lông hôi trước khi hãm. Tiếp theo là đổ đầy nước sôi cho ngập lá, cho vào giỏ tre độn sợi bọc vải có nắp ủ kỹ. Trà hãm độ nửa tiếng đồng hồ thì “chín”, có mùi thơm bay ra là uống được. Nước trà hãm đúng kiểu thì có màu vàng sánh và thơm nồng nàn. Ngược lại, cũng lá chè ấy nếu đun sôi trên lửa ngọn sẽ cho màu đỏ quạch như nước chè dạo, mất hẳn mùi thơm.

Hồi học cấp I trường làng, tôi đã thuộc bài thơ “Bao giờ trở lại” của nhà thơ xứ Nghệ Hoàng Trung Thông, trong đó có những câu như: “Các anh về/Xôn xao làng bé nhỏ/Nhà lá đơn sơ/Tấm lòng rộng mở/Nồi cơm nấu dở/Bát nước chè xanh/Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau…”. Quả là một không khí làng quê kháng chiến xứ Nghệ! Còn nhà thơ Huy Cận, một nhà thơ xứ Nghệ nữa thì lại viết: “Ai ơi cà xứ Nghệ/Càng mặn lại càng giòn/Nước chè xanh xứ Nghệ/Càng chát lại càng ngon!”. Chè xanh xứ Nghệ như một đặc sản của vùng đất gió Lào khô khát. Cái thứ chè uống từng “bát nước đầy”, uống đẫy trưa hè bỏng rát.

Bây giờ, ở Pleiku uống chè xanh đã thành cái gu của khá nhiều người. Cũng giỏ, cũng tích, cũng bát to, ly lớn… Chợ Hoa Lư có đến mấy hàng bán chè xanh mớ. Mùa mưa 5 ngàn đồng một mớ hãm được khoảng vài ba ấm tích. Mùa khô, cành chè, lá chè đắt hơn, tầm 7 ngàn đồng/mớ; nhiều hôm đi muộn thì đã hết hàng.

Cái lối uống chè xanh xứ Nghệ không biết từ lúc nào đã lan truyền đến đất Tây Nguyên, hình thành nên một thói quen như quê tôi bao đời. Kiểu uống nước chè tươi bằng bát, rộng rãi khoáng đạt, bao dung.

Có thể bạn quan tâm