Tin tức

Bầu cử tổng thống Pháp - 7 ứng viên cánh hữu tranh luận lần 2

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ba tuần sau khi diễn ra cuộc tranh luận đầu tiên trong khuôn khổ vòng sơ bộ cánh hữu, tối 3-11 giờ Pháp (sáng 4-11 giờ Việt Nam), 7 ứng cử viên cánh hữu tiếp tục "so tài" tại cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình lần thứ 2 nhằm tìm ra ứng cử viên chính thức ra tranh cử tổng thống vào năm 2017.
 

Thị trưởng thành phố Bordeaux Alain Juppé (phải ) và cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy.
Thị trưởng thành phố Bordeaux Alain Juppé (phải ) và cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy.

Cũng giống như cuộc tranh luận lần thứ nhất, cuộc tranh luận lần này chủ yếu vẫn là cuộc đua giữa hai ứng cử viên nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ nhất là Alain Juppé và Nicolas Sarkozy. Cuộc tranh luận lần 2 diễn ra sôi động hơn, các ứng cử viên cũng tỏ ra sắc sảo hơn. Chủ đề nổi bật lần này là nhập cư, cuộc chiến chống khủng bố và việc đảm bảo an ninh, giáo dục và châu Âu. Các chủ đề này đặc biệt thu hút sự chú ý của công luận trong bối cảnh việc giải tỏa khu lán trại tị nạn tại Calais đã khiến hàng nghìn người nhập cư đổ về Paris và việc lực lượng chính phủ Iraq đang giành ưu thế trong cuộc chiến tại Mosul khiến người dân Pháp lo ngại rằng các phần tử thánh chiến sẽ sớm quay lại châu Âu.

Tuy nhiên, về các vấn đề cốt lõi như chương trình hành động khi trở thành chủ nhân của Điện Elysée, thực thi quyền lực và bảo đảm an ninh cho người dân, quan điểm của các ứng cử viên không có nhiều khác biệt. Về những khó khăn đang đặt ra cho xã hội Pháp như tỷ lệ thất nghiệp và nợ công cao, thách thức an ninh, các ứng cử viên thường đổ lỗi cho những yếu kém của chính phủ đương nhiệm của đảng Xã hội (PS) và các chính phủ trước đó.

Tại cuộc tranh luận, Thị trưởng thành phố Bordeaux Alain Juppé tiếp tục thể hiện quan điểm ôn hòa, phong cách tự tin, đề cao tầm quan trọng của việc tập hợp rộng rãi cử tri. Trong khi đó, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy  nhiều lần bị công kích, đặc biệt là việc ông, với tư cách là Bộ trưởng Nội vụ, đã ký Thỏa thuận Touquet giữa Anh và Pháp vào năm 2003 cho phép nước Anh đặt các trạm kiểm soát người nhập cư tại đầu đường hầm xuyên eo biển Manche ở thành phố Calais, trên đất Pháp. Theo các ứng cử viên, đây là một thất bại đối với nước Pháp khi phải giữ lại trên lãnh thổ của mình tất cả những người nhập cư mà Anh không muốn nhận. Tất cả các ứng cử viên đều yêu cầu phải thay đổi Thỏa thuận Touquet bằng các quy định mới. Mặc dù vậy, cựu Tổng thống Sarkozy vẫn được đánh giá cao về quan điểm mạnh mẽ trong cuộc chiến chống khủng bố, trong đó có việc ông kiên quyết yêu cầu hạ độ tuổi chịu trách nhiệm của trẻ vị thành niên từ 18 xuống 16 tuổi.

Theo kết quả thăm dò do tổ chức Elabe và kênh truyền hình BFMTV tiến hành sau cuộc tranh luận lần 2, ông Alain Juppé là ứng cử viên trình bày thuyết phục nhất với 34% số người xem truyền hình ủng hộ, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy đứng thứ hai với 24%, theo sau là cựu Thủ tướng François Fillon với 15%. Tuy nhiên, thứ tự này bị đảo ngược đối với khán giả truyền hình là những người ủng hộ quan điểm của cánh hữu và trung hữu, theo đó cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy là người thuyết phục nhất với 31% số người ủng hộ, theo sau là ông Alain Juppé (28%).

Theo kế hoạch, cuộc tranh luận lần 3 và cũng là cuối cùng sẽ diễn ra vào ngày 17-11 và hai vòng bầu cử sơ bộ của cánh hữu sẽ diễn ra vào các ngày 20 và 27-11.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm