Belarus đã trao quyền hạn rộng rãi cho lực lượng an ninh nước này nhằm ngăn chặn hoặc đáp trả hành động khiêu khích từ các nước láng giềng.
Báo Izvestia (Nga) ngày 14-10 dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Belarus Vladimir Makei trong một cuộc phỏng vấn cho biết lãnh đạo nước này đã tổ chức một số cuộc họp với các cơ quan thực thi pháp luật, đồng thời ban hành "chế độ chống khủng bố" giữa lúc căng thẳng Nga - Ukraine leo thang.
"Có thông tin rằng một số nước láng giềng đang lên kế hoạch khiêu khích và muốn chiếm một số lãnh thổ của Belarus" - Bộ trưởng Makei nói.
Cả Bộ Ngoại giao lẫn văn phòng báo chí của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đều không trả lời khi được truyền thông liên hệ.
"Chế độ chống khủng bố" mà Belarus trao cho lực lượng an ninh bao gồm giam giữ để xác minh danh tính, cấm đi lại, nghe lén, kiểm soát tất cả thông tin liên lạc và đặc vụ có thể đột kích bất kỳ địa điểm nào.
Một loạt hoạt động quân sự ở Belarus tuần này đã thu hút sự chú ý của Ukraine và phương Tây. Ngày 10-10, Tổng thống Lukashenko phát biểu tại một cuộc họp an ninh rằng ông đã ra lệnh triển khai quân đội bên cạnh các lực lượng Nga gần Ukraine để đáp trả "mối đe dọa từ Kiev và phương Tây".
Ngoài ra, cơ quan an ninh KGB của Belalus cũng được lệnh tiến hành các biện pháp chống khủng bố cần thiết.
Bộ trưởng Ngoại giao Belarus Vladimir Makei. Ảnh: Reuters |
Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Nga vừa thông báo triệu tập các đặc phái viên của Đức, Đan Mạch và Thụy Điển sau khi các nước này không cho Moscow tiếp cận cuộc điều tra vụ rò rỉ đường ống dẫn khí Nord Stream.
"Nga sẽ không công nhận kết quả điều tra đối với các vụ nổ tại 2 đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và Nord Stream 2 vào cuối tháng 9 trừ khi các chuyên gia của chúng tôi được phép tham gia" - Moscow tuyên bố.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, Đức, Đan Mạch và Thụy Điển từ chối để Nga tiếp cận cuộc điều tra nhưng lại sẵn sàng đáp ứng yêu cầu tương tự của các nước khác, bao gồm Mỹ. Bộ này nhấn mạnh rằng nếu lời kêu gọi hợp tác bị phớt lờ, Moscow sẽ cho rằng Berlin, Copenhagen và Stockholm “đang che giấu điều gì đó hoặc họ đang che đậy thủ phạm của các vụ tấn công khủng bố này”.
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson từng khẳng định Stockholm sẽ không chia sẻ kết quả điều tra vụ nổ cho Moscow. "Ở Thụy Điển, các cuộc điều tra sơ bộ là bí mật. Và tất nhiên, điều đó cũng được áp dụng trong trường hợp này” - bà giải thích.
Đặc phái viên Nga tại Liên Hiệp Quốc Gennady Gatilov. Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, Đặc phái viên Nga tại Liên Hiệp Quốc Gennady Gatilov ngày 13-10 cho biết Nga đã gửi một lá thư đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, liệt kê một danh sách khiếu nại. Moscow bày tỏ lo ngại về thỏa thuận ngũ cốc ở các cảng biển Đen và sẵn sàng từ chối gia hạn thỏa thuận vào tháng tới trừ khi các yêu cầu của họ được giải quyết.
Thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hồi tháng 7 năm nay đã mở đường cho Ukraine nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng biển Đen. Thỏa thuận giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu bởi Nga và Ukraine là 2 trong số các nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới và Nga là nhà xuất khẩu phân bón số một.
Tuy nhiên, Moscow nhiều lần phàn nàn về việc thực hiện thoả thuận, cho rằng họ vẫn gặp khó khăn trong việc bán phân bón và lương thực.
Theo Phạm Nghĩa (NLĐO)