Với nguồn lực khổng lồ trong tay, các công ty an ninh tư nhân của Trung Quốc đang mở rộng hoạt động ở Kyrgyzstan và nhiều nước Trung Á.
Khi Tổng thống Kyrgyzstan Soornbay Jennbekov đẩy mạnh các nỗ lực để biến đường sắt Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan thành hiện thực, một công ty an ninh tư nhân của Trung Quốc đã ký các thỏa thuận với nội dung bảo vệ các dự án của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc.
Vụ tấn công đại sứ quán Trung Quốc ở Bishkek (thủ đô Kyrgyzstan) năm 2016 đã làm tăng ý thức cảnh giác trong cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc ở Trung Á. Các công ty Trung Quốc hoạt động ở Kyrgyzstan kể từ đó đã bắt đầu thay dần nhân viên an ninh địa phương bằng nhân viên an ninh “nhập khẩu” từ Trung Quốc sang.
Lao động Trung Quốc. Ảnh: China in Central Asia.
Đặc biệt, Zhongjun Junhong đã đạt được 1 thỏa thuận với Đường sắt Trung Quốc, theo đó họ sẽ bảo vệ các công trình xây dựng của ngành đường sắt Trung Quốc dọc theo tuyến đường sắt Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan vào tháng 11/2018. Xây dựng đường sắt ước tính sẽ ngốn ít nhất 500 triệu USD.
Hiện nay có tương đối ít các công ty an ninh tư nhân của Trung Quốc ở Kyrgyzstan, so với con số 400 công ty an ninh tư nhân của Kyrgyzstan. Nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc (khoảng 574) ở Kyrgyzstan đang bắt đầu ưa thích dùng nhân viên an ninh Trung Quốc hơn là người dân địa phương.
Trùm doanh nghiệp an ninh Trung Quốc
Zhongjun Junhong, một nhà cung cấp dịch vụ an ninh tư nhân hàng đầu của Trung Quốc, đã vươn hoạt động sang Kyrgyzstan vào tháng 9/2016. Với 281 nhân viên an ninh, một giấy phép sử dụng vũ khí địa phương, và các thiết bị quân sự mang từ Trung Quốc sang, Zhongjun Junhong nhanh chóng trở thành hãng đi tiên phong ở Kyrgyzstan trong việc cung cấp dịch vụ an ninh quy mô lớn, mô phỏng theo một công ty an ninh Mỹ từng được biết đến với cái tên Blackwater mà từ năm 2011 hoạt động dưới cái tên Academi.
Wu Guohua, một cựu đại tá Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), là ông chủ công ty này. Trong chưa đầy 3 năm, công ty này đã giành được hơn 20 khách hàng Trung Quốc ở Kyrgyzstan, bao gồm các công ty Cầu đường Trung Quốc, Tập đoàn Kỹ thuật Đường sắt Số 5, Cục Sinohydro 16, Huawei, công ty luyện kim loại quý Guanglong, và Tập đoàn Xây dựng Sanmenxia Luqiao.
Đặc biệt, Zhongjun Junhong đã đạt được 1 thỏa thuận với Đường sắt Trung Quốc, theo đó họ sẽ bảo vệ các công trình xây dựng của ngành đường sắt Trung Quốc dọc theo tuyến đường sắt Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan vào tháng 11/2018. Xây dựng đường sắt ước tính sẽ ngốn ít nhất 500 triệu USD.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc đẩy thành công nhóm công tác về hợp tác đầu tư và công nghiệp Trung Quốc-Kyrgyzstan trong chuyến thăm gần đây tới Bishkek để dự thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Nhịp độ gia tăng đầu tư Trung Quốc ở Kyrgyzstan không có dấu hiệu chậm lại.
Thị trường béo bở cho các hãng an ninh Trung Quốc
Do nguồn ngân sách nhỏ, các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc trước đây thường phớt lờ các rủi ro về an ninh và lưỡng lự trong việc thuê các hãng an ninh tư nhân. Nhưng vô số các vụ việc bạo lực chống lại các công ty Trung Quốc trên khắp thế giới đã chứng minh thế yếu của các hoạt động đầu tư của Trung Quốc nếu thiếu vắng các biện pháp an ninh tương ứng. Không dựa được vào lực lượng an ninh bản địa ở các nước bất ổn chính trị, các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc bắt đầu trích ngân sách để đầu tư vào thuê các công ty an ninh tư nhân.
Hồi năm 2004, vụ đánh bom nhằm vào công trường 1 dự án cao tốc ở Afghanistan đã làm thiệt mạng 11 công nhân Trung Quốc và khiến 4 người khác trọng thương. Do không có dịch vụ an ninh của Trung Quốc ở đó, công ty Đường sắt Trung Quốc số 14 đã phải sử dụng dịch vụ của Mỹ để bảo đảm an ninh cho các dự án của mình ở quốc gia Afghanistan – động thái này đã kích thích các công ty quốc doanh khác của Trung Quốc ở nước ngoài thuê các chuyên gia an ninh của Mỹ hoặc Anh.
Riêng năm 2014, Viện Charhar ước tính các công ty quốc doanh Trung Quốc đã chi 8 tỷ USD cho các biện pháp an ninh. Từ năm 2013, với con số 50 tỷ USD được đầu tư vào các nước thuộc đại dự án Vành đai và Con đường thì lĩnh vực an ninh tư nhân đã trở thành một ngành thu lợi nhuận cao.
Việc đầu tư vào các công ty tư nhân đã tránh cho các doanh nghiệp Trung Quốc này dính dáng vào các nhóm quân sự địa phương. Sau khi phải giằng xé lựa chọn trong hàng thập kỷ giữa các nhóm vũ trang địa phương và các công ty an ninh tư nhân phương Tây, các công ty Trung Quốc giờ lại xoay sang các nhà cung cấp dịch vụ an ninh của chính Trung Quốc. Ngoài việc có lợi thế quen thuộc về ngôn ngữ và bảo vệ bí mật thương mại, việc chuyển hướng này còn nhằm giữ cho nguồn tiền vẫn luân chuyển trong nội bộ nền kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình hối thúc các công ty ở hải ngoài hãy nhớ về “điều bình thường mới”. Ở Iraq, công ty CNPC đã bỏ đối tác Anh Control Risks để chuyển sang thuê China Guanan vào năm 2010 – đúng năm Trung Quốc hợp pháp hóa các công ty an ninh tư nhân. (Dù có nhiều công ty ở nước ngoài, mãi đến năm 2010 Trung Quốc mới nới lỏng luật điều chỉnh và cung cấp vị thế pháp lý cho các công ty an ninh trong nước).
Mối đe dọa mà các nhà đầu tư Trung Quốc đối mặt vẫn lớn
Các công ty an ninh Trung Quốc đã hiện hữu trong vài năm qua ở Pakistan, Iraq, Đông Nam Á và một số nước châu Phi. Hiện họ đang mở rộng hoạt động ở Trung Á, nơi đón nhận nguồn đầu tư lớn nhưng gặp rủi ro bị tấn công.
Kể từ khi Trung Quốc chính thức hóa Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa vào năm 2013 (về sau nâng lên thành Sáng kiến Vành đai và Con đường, có thêm nhân tố đường biển), ít nhất 5 công ty Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào Kyrgyzstan, trong đó mỗi công ty đầu tư hơn 400 triệu USD.
Các khoản đầu tư này dễ bị công kích. Ở gần như mọi cấp độ, các dự án của Trung Quốc ở Kyrgyzstan đều có điểm này hay điểm khác vấp phải các vấn đề liên quan đến dân cư bản địa.
Chẳng hạn, hồi tháng 6/2011, 50 công nhân xây dựng đường Kyrgyzstan ở Kemin đã phản đối việc trả lương không công bằng. Năm 2014, biểu tình của cư dân ở Kara-Balta dẫn tới việc tạm ngừng công việc tại cơ sở lọc dầu CNPC. Một nhà máy chế biến vàng của Trung Quốc đã bị dân địa phương ở Toguz-Toro đốt cháy vào tháng 4/2018.
Các công ty Trung Quốc cũng phải vật lộn để quản lý chính các công nhân mà họ đưa từ Trung Quốc sang. Vào tháng 1/2013, các công nhân của công ty Trung Quốc TBEA đã bắt một nhóm người Kyrgyzstan địa phương làm con tin với cáo buộc ăn cắp một chiếc điện thoại di động. Hơn 100 người dính líu vào vụ việc này, với 18 công nhân Trung Quốc bị thương.
Các vụ bạo lực có tổ chức nhằm vào người Trung Quốc đã gia tăng ở Kyrgyzstan. Nhóm dân tộc chủ nghĩa khét tiếng Kyrgyz Choroloru đã thu hút sự chú ý toàn quốc sau khi đột kích vào một câu lạc bộ karaoke mà các doanh nhân Trung Quốc trung niên thường lui tới. Nhóm này đã tụ tập bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc vào tháng 12/2018 để phản đối Trung Quốc về tình hình ở Tân Cương. Vào tháng 1/2019, một cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã được tổ chức một lần nữa ở trung tâm thủ đô Bishkek để phản đối các lao động Trung Quốc bất hợp pháp.
Dân trí/Theo Trung Hiếu (VOV.VN)