Tin tức

Biến đổi khí hậu gây thiệt hại hàng ngàn tỉ USD

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một báo cáo vào năm ngoái của chính phủ Mỹ nhận định biến đổi khí hậu có thể khiến kinh tế đất nước thiệt hại hàng trăm tỉ USD vào cuối thế kỷ này
Biến đổi khí hậu có thể khiến kinh tế thế giới thiệt hại 7.900 tỉ USD vào năm 2050 do tình trạng hạn hán, lũ lụt và vụ mùa thất thu ngày càng nghiêm trọng, từ đó làm cản trở tốc độ tăng trưởng và đe dọa hạ tầng cơ sở. Đó là dự báo được đưa ra trong một báo cáo của Công ty Economist Intelligence Unit (EIU) của Anh, trong đó đánh giá hoạt động chuẩn bị ứng phó biến đổi khí hậu của 82 nền kinh tế trên thế giới. Dựa vào những xu hướng hiện nay, GDP toàn cầu sẽ giảm 3% vào năm 2050 trong bối cảnh biến đổi khí hậu khiến các sự kiện thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên hơn.
Đáng chú ý, những khu vực có thể chịu tác động mạnh nhất là châu Phi (ước tính giảm 4,7%), châu Mỹ Latin (3,8%) và Trung Đông (3,7%). Lý do là những nơi này có nhiệt độ bình quân cao hơn trong khi quy mô các nền kinh tế lại nhỏ hơn, khiến các nước dễ bị tổn thương hơn bởi tác động của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, theo đài CNN, GDP của châu Á - Thái Bình Dương dự kiến giảm 2,6%, thấp hơn Đông Âu (3%) nhưng cao hơn Tây Âu (1,7%) và Bắc Mỹ (1,1%).
 
Nạn cháy rừng diễn ra ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng ở bang California - Mỹ Ảnh: Reuters
Trong số những nước được đánh giá, Angola là quốc gia có thể chịu tác động nặng nề nhất, với GDP ước tính giảm 6,1% vào năm 2050. Báo cáo chỉ ra một số nguyên nhân khiến Angola đối mặt nguy cơ này, như thiếu các cơ sở hạ tầng có chất lượng, dễ bị hạn hán nghiêm trọng, tình trạng xói mòn đất và mực nước biển dâng. Theo sau Angola, những nước dễ bị tổn thương nhất là Nigeria (GDP giảm 5,9%) Ai Cập (5,5%), Bangladesh (5,4%), Venezuela (5,1%)…
Ở chiều ngược lại, Mỹ được dự báo là một trong những nước ít bị tác động nhất của biến đổi khí hậu dù thiệt hại kinh tế tiềm tàng không phải không có. Báo cáo của EIU tính toán rằng biến đổi khí hậu đe dọa khiến GDP nền kinh tế hàng đầu thế giới giảm 1,1% vào năm 2050. 
"Những sự kiện gần đây ở Mỹ cho thấy ngay cả những nền kinh tế phát triển hàng đầu vẫn có thể bị tổn thương nghiêm trọng" - báo cáo của EIU cảnh báo khi nhắc đến nạn cháy rừng diễn ra ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng ở bang California. Vào năm ngoái, một báo cáo của chính phủ Mỹ nhận định biến đổi khí hậu có thể khiến kinh tế đất nước thiệt hại hàng trăm tỉ USD vào cuối thế kỷ này nhưng đánh giá như thế đã bị Nhà Trắng bác bỏ.
Các nhà lãnh đạo thế giới dự kiến tham dự Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại thủ đô Madrid - Tây Ban Nha vào đầu tháng 12 tới.
Theo đài CNBC, một trong những nội dung bàn thảo chính là làm thế nào ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp - một mục tiêu chính của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đạt được năm 2015. Để đạt được mục tiêu này, nền kinh tế toàn cầu cần phải nhanh chóng giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề gây tranh cãi vì những nước đang phát triển cho rằng tăng trưởng kinh tế của họ không nên chịu tổn thất sau hàng thập kỷ sử dụng nhiên liệu hóa thạch của các nước giàu.
Trong khi đó, Mỹ vào đầu tháng này bắt đầu tiến trình rút khỏi Hiệp định Paris, viện lý do thỏa thuận này gây ra gánh nặng kinh tế không công bằng đối với Washington. Không gì lạ khi báo cáo của EIU chỉ trích các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump là bước lùi tạm thời của Washington trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. 
Hoàng Phương (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm