Ngày 28/6, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) dự báo năm 2019 đang trên đà lập kỷ lục trở thành năm nóng nhất trong lịch sử.
Người dân tại Paris (Pháp) tránh nóng tại các vòi phun nước ở gần tháp Eiffel. (Ảnh: THX/TTXVN)
Theo WMO, dù còn quá sớm để kết luận đợt nắng nóng hiện nay tại châu Âu là do biến đổi khí hậu, song tình hình hiện nay đang diễn biến theo đúng xu hướng cực đoan dưới tác động của khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Phát biểu với báo giới ở Geneva (Thụy Sĩ), một người phát ngôn của WMO cho rằng các đợt nóng giờ đây sẽ ngày càng khắc nghiệt, bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn. Mặc dù chỉ mới cuối tháng 6, song dường như Trái Đất nhiều nguy cơ sẽ trải qua 5 năm (2015-2019) nóng nhất trong lịch sử. Với nhiệt độ cao trong 5 tháng đầu năm, 2019 đã được xem là năm nóng thứ ba trong lịch sử thế giới.
Trước đó, một số nước châu Âu đã nâng cảnh báo thời tiết cực đoan, trong bối cảnh đợt nắng nóng kỷ lục trong tháng 6 này tại “Lục địa Già” có thể sẽ kéo dài với nhiệt độ lên mức 40 độ C. Các nhà khí tượng học cho rằng luồng khí nóng từ Bắc Phi khiến nắng nóng như thiêu đốt xuất hiện vào đầu mùa Hè ở châu Âu.
Tại Tây Ban Nha, Cơ quan Khí tượng AEMET dự báo nhiệt độ tại 5 tỉnh miền Bắc nước này sẽ lên tới 42 độ C và kéo theo nhiều “rủi ro đáng kể”. Tại Pháp, đến nay đã có 78 khu vực thuộc diện cảnh báo màu cam trong tổng số 101 khu vực đang đối mặt với thời tiết cực đoan. Trong khi đó, nhà chức trách tại Đức, Hy Lạp, Bỉ, Áo, Ba Lan và CH Séc cũng đưa ra những cảnh báo tương tự khi các kỷ lục về tháng 6 nắng nóng nhất trong lịch sử vừa được xác lập.
Biến đổi khí hậu được dự báo là một trong những chủ đề nổi cộm nhất trong hai ngày họp của hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Nhật Bản.
Mỹ hiện vẫn đang bất đồng với nhiều nước sau khi Tổng thống Donald Trump hồi năm ngoái thông báo ý định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Tại hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi 20 nền kinh tế lớn tăng cường nỗ lực nhằm giảm thiểu tác hại từ biến đổi khí hậu, đồng thời khẳng định tình trạng môi trường hiện nay "tồi tệ hơn những gì chúng ta có thể dự báo".
Ông Guterres thừa nhận sẽ rất khó để đạt được sự đột phá trong những thách thức khó khăn nhất mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt, song ông muốn tận dụng cơ hội G20 để bày tỏ lo ngại của mình với các lãnh đạo thế giới.
Đặng Ánh (TTXVN/Vietnam+)