Tin tức

Biểu tình Myanmar: Cảnh sát nổ súng, 22 người thương vong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ít nhất 2 người thiệt mạng và 20 người bị thương sau khi cảnh sát Myanmar hôm 20-2 nổ súng giải tán đám đông phản đối cuộc đảo chính ngày 1-2.

Reuters ngày 20-2 dẫn lời lãnh đạo Cơ quan quản lý khẩn cấp Parahita Darhi, Ko Aung, cho biết 22 người thương vong tại TP Mandalay sau khi cảnh sát nổ súng. Không rõ lực lượng an ninh bắn đạn cao su hay đạn thật.

Những người phản đối cuộc đảo chính ngày 1-2 đã xuống đường ở một số thành phố và thị trấn của Myanmar. Tham gia biểu tình là người dân tộc thiểu số, nhà thơ và công nhân vận tải. Họ yêu cầu chấm dứt chế độ quân sự, trả tự do cho nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi và các quan chức khác.

Một số người biểu tình đã bắn đá vào cảnh sát ở TP Mandalay, sau đó bị đáp trả bằng hơi cay và đạn cao su (hoặc đạn thật).

 

Cảnh sát trấn áp biểu tình ở TP Mandalay. Ảnh: Reuters
Cảnh sát trấn áp biểu tình ở TP Mandalay. Ảnh: Reuters



Theo trợ lý biên tập Lin Khaing của cổng tin tức Voice of Myanmar, một người đàn ông đã tử vong do vết thương ở đầu. Trong khi đó, một bác sĩ tình nguyện xác nhận có 2 trường hợp tử vong: "Một người bị bắn vào đầu chết tại chỗ. Người còn lại chết do vết đạn vào ngực". Cảnh sát chưa đưa ra bình luận.

Các cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính lật đổ chính phủ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Những người biểu tình hoài nghi về lời hứa tổ chức một cuộc bầu cử mới và trao quyền lực cho người chiến thắng của quân đội.

Trước đó, ngày 19-2, một phụ nữ biểu tình tên Mya Thwate Thwate Khaing qua đời sau khi bị bắn vào đầu hồi tuần trước trong lúc cảnh sát giải tán đám đông ở thủ đô Naypyitaw. Đây là cái chết đầu tiên về phía những người biểu tình chống đảo chính.

Bên phía lực lượng an ninh, quân đội tuyên bố một cảnh sát đã chết vì vết thương trong một cuộc biểu tình.

Thanh niên ở TP Yangon đã mang vòng hoa và đặt hoa tại buổi lễ tưởng niệm Thwate Khaing, trong khi một buổi lễ tương tự diễn ra ở thủ đô Naypyitaw. "Nỗi buồn vì cái chết của cô ấy là một chuyện nhưng chúng tôi có can đảm để tiếp tục biểu tình vì cô ấy" - sinh viên Khin Maw Maw Oo ở Naypyitaw nói.

Những người biểu tình đang yêu cầu khôi phục chính phủ được bầu, trả tự do cho bà Suu Kyi và các quan chức khác, đồng thời hủy bỏ Hiến pháp năm 2008. Hiến pháp này được soạn thảo dưới sự giám sát của quân đội, mang lại cho quân đội một vai trò chính trị.

Quân đội Myanmar giành lại quyền lực sau khi có cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử ngày 8-11-2020. Tuy nhiên, Ủy ban Bầu cử Myanmar bác bỏ các khiếu nại gian lận. Sau khi bị bắt, bà Suu Kyi phải đối mặt với cáo buộc vi phạm Luật Quản lý Thảm họa Tự nhiên và nhập khẩu trái phép 6 chiếc bộ đàm. Bà sẽ ra toà lần tiếp theo vào ngày 1-3.

Theo Phạm Nghĩa (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm