Tin tức

Biểu tình sắc tộc khắp nước Mỹ: Bùng phát từ những dồn nén âm ỉ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Sự thức tỉnh của nước Mỹ về vấn đề bạo lực trong những vụ việc liên quan tới người da màu nếu chỉ tính từ năm 2014 đến nay, vẫn chưa đủ để ngăn chặn những cái chết hoặc đối xử bất bình đẳng, hoặc phá bỏ những nỗi sợ hãi, dồn nén và oán giận hàng triệu người Mỹ cảm nhận.

 

Người biểu tình ở Washington, D.C, Mỹ sau cái chết của George Floyd. Ảnh: AFP
Người biểu tình ở Washington, D.C, Mỹ sau cái chết của George Floyd. Ảnh: AFP



“Tôi không thở được”

Tháng 7.2014, Eric Garner - một người đàn ông da đen bị tình nghi phạm tội vặt bị cảnh sát New York, Mỹ đốn ngã và khóa cổ trên vỉa hè. Video từ các nhân chứng ghi lại cho thấy người đàn ông này thều thào: “Tôi không thở được” và gục xuống. Cái chết của Garner kích hoạt các cuộc biểu tình ở New York và khắp nước Mỹ, thổi bùng thêm vài tuần sau đó với vụ cảnh sát nổ súng bắn chết thiếu niên da màu Michael Brown ở Ferguson, Missouri.

Một số vụ việc xảy ra trong 5 tháng  đầu năm 2020, vụ đầu tiên xảy ra ngày 23.2, khi một nam giới da màu - Ahmaud Arbery, bị bắn chết ở Brunswick, Georgia, sau khi bị một cựu cảnh sát và con trai truy đuổi. Cuộc tấn công được ghi lại bằng camera và được công bố hôm 5.5. Vụ việc thứ 2 là vụ giết nhân viên EMT Breonna Taylor ngày 13.3 tại Louisville, Kentucky tại nhà riêng của cô với lực lượng cảnh sát triển khai lệnh bắt “no-knock” - lệnh bắt do thẩm phán ban hành cho phép lực lượng thực thi pháp luật xâm nhập nhà cửa mà không cần báo trước cho người dân bằng các cách thức như gõ hoặc bấm chuông. Vụ thứ 3 là cuộc chạm trán ngày 25.5 tại Công viên Trung tâm New York giữa một người da đen đang ngắm chim chóc với một phụ nữ người da trắng đi dạo nhưng không xích chó của mình lại. Người phụ nữ này gọi báo cảnh sát là “một người Mỹ gốc Phi” đang đe dọa mình khi nam giới người da đen đề nghị cô xích chó lại.

Cây viết Jon Schuppe của NBC News cho hay, những xúc cảm này lại bùng nổ lần nữa, lần này (vụ mới  nhất  liên quan tới George Floyd, ở thành phố Minneapolis, 5.2020) ở mức độ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, được kích hoạt bởi một sự kiện đáng lo ngại quen thuộc: Cái chết của một nam giới da màu nghi phạm tội nhỏ bị một cảnh sát da trắng ghì cổ chết ở Minneapolis với video ghi lại nạn nhân thều thào “Tôi không thể thở được”.

Cedric Alexander  - cựu quan chức trong lực lượng đặc nhiệm về Chính sách Thế kỷ XXI của cựu Tổng thống Barack Obama và hiện là cố vấn cho các cơ quan pháp luật về cải thiện quan hệ cộng đồng - cùng với những người biểu tình và các nhà hoạt động cho rằng, làn sóng bất ổn hiện nay không chỉ là phản ứng với cái chết của George Floyd hay về các chính sách mới, mà là phản ứng trước một số sự kiện gần đây vốn nêu bật vấn đề sắc tộc trong xã hội Mỹ nói chung và trong lực lượng cảnh sát Mỹ nói riêng. Lực lượng đặc nhiệm về Chính sách Thế kỷ XXI của Tổng thống Barack Obama được thành lập sau cái chết của Brown và Garner để đề xuất các cách để cải thiện lòng tin giữa cảnh sát và công chúng.

Tuần qua, người biểu tình ở hàng chục thành phố, vốn ở nhà trong vài tháng bởi đại dịch COVID-19, xuống đường để bày tỏ bất bình về cái chết của George Floyd. Các cơ sở kinh doanh bị cướp bóc, bị đốt cháy. Cảnh sát bắn đạn caosu và hơi cay. Nhiều người biểu tình và cảnh sát bị thương. Hàng chục bang ở Mỹ phải kích hoạt lực lượng vệ binh quốc gia.

“Những thùng thuốc súng” còn đó

“Bạn có thể nhìn thấy một sự phẫn nộ khác chưa từng chứng kiến trước đó. Và việc này chưa qua đi. Bạo động sẽ ngừng lại nhưng “những thùng thuốc súng” sẽ tiếp tục ở đó” - ông Cedric Alexander cho biết.

Tất cả 4 vụ kể trên xảy ra trong 5 tháng đầu năm 2020, khi nước Mỹ đang đóng cửa ngăn chặn sự bùng phát của COVID-19 - đại dịch vốn đang làm trầm trọng thêm sự phân biệt chủng tộc và khoảng cách kinh tế ở nước này.

Derrick Johnson - Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP) nhận định, các cuộc biểu tình và bạo loạn là hệ quả của hệ thống tư pháp bị phá vỡ đã không coi trọng người Mỹ da màu trong nhiều thập kỷ, dẫn tới cảm giác bị bỏ mặc và vô vọng. “Những gì chúng ta đã chứng kiến trong vài đêm qua là sự bùng nổ của sự thất vọng dồn nén không chỉ vì bạo lực của cảnh sát mà còn bởi thiếu cơ hội để nhiều người Mỹ gốc Phi nhìn thấy được trong mọi tầng lớp, địa vị trong xã hội và mọi khía cạnh trong cuộc sống” - ông chia sẻ với MSNBC.

Ông nhấn mạnh, điều quan trọng là phải ghi nhớ những đổi thay đã đạt được trong các chiến dịch công bằng xã hội được tăng cường sau cái chết của những người da màu năm 2014. Có một số đổi thay mang tính chính trị, tập trung vào hồ sơ tư pháp hình sự và số lượng công tố viên ngày càng tăng gợi lên hy vọng về hệ thống công bằng hơn cho người thiểu số và người nghèo. Một số thay đổi khác về văn hóa, chẳng hạn như người dân nhanh chóng hơn trong sử dụng điện thoại để ghi lại cũng như chia sẻ các vụ việc phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát...

 

https://laodong.vn/the-gioi/bieu-tinh-sac-toc-khap-nuoc-my-bung-phat-tu-nhung-don-nen-am-i-809494.ldo

Theo Thanh Hà (LĐO)

Có thể bạn quan tâm