Tin tức

Bolivia lập kỷ lục thế giới về băng quốc kỳ dài hơn 200 km

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 11-3, Bolivia tuyên bố đã lập kỷ lục thế giới mới về dải quốc kỳ, do nhiều lá cờ Bolivia khâu liền với nhau tạo thành, dài hơn 200 km nối 2 quảng trường trung tâm của thủ đô La Paz và thành phố Oruro.
 

Dải quốc kỳ dài hơn 200 km nối 2 quảng trường trung tâm của thủ đô La Paz và thành phố Oruro.
Dải quốc kỳ dài hơn 200 km nối 2 quảng trường trung tâm của thủ đô La Paz và thành phố Oruro.

Đây là một phần trong chiến dịch tình nguyện mà Tổng thống Bolivia Evo Morales phát động ngày 14-2 vừa qua để nhân dân quốc gia Nam Mỹ này bày tỏ sự ủng hộ nỗ lực của Chính phủ Bolivia trong việc đòi Chile trả lại đường ra biển thông qua khởi kiện lên Tòa án công lý quốc tế La Hay, mà hiện đang bước vào giai đoạn tranh biện cuối cùng.
         
Trong lời kêu gọi ban đầu, nhà lãnh đạo cánh tả Bolivia dự kiến dải quốc kỳ sẽ chỉ dài khoảng 70 km, nhưng con số cuối cùng đã vượt xa “chỉ tiêu” trên, chứng tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân Bolivia đối với sáng kiến này nói riêng và cuộc đấu tranh pháp lý nói chung của La Paz đòi quyền có biển.
         
Trong cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương (1879 - 1883), Bolivia đã mất toàn bộ 400 km bờ biển và 120.000 km2 các tỉnh giáp biển của mình vào tay Chile. Trong hiệp ước lập lại hòa bình giữa hai nước ký năm 1904, Chile đảm bảo một đường ra biển có chủ quyền cho Bolivia, đổi lại việc La Paz công nhận chủ quyền của Santiago tại những phần đã mất, tuy nhiên cho tới nay hai bên vẫn tranh cãi về các điều khoản này với cách lý giải có nhiều khác biệt.
         
Tháng 4-2013, Bolivia đã đệ đơn ICJ yêu cầu Chile phải đàm phán về một giải pháp cho  vấn đề đường ra biển của La Paz, nhưng Santiago đã từ chối công nhận quyền phán quyết của cơ quan quốc tế trên với lập luận vấn đề này đã được giải quyết bằng Hiệp ước 1904, tuy nhiên sau đó đã chấp nhận tham gia vụ kiện sau khi ICJ bác bỏ lập luận của Chile về thẩm quyền phán xét của cơ quan này.
         
Do tranh chấp này, Bolivia và Chile không có quan hệ ngoại giao từ năm 1962 (trừ giai đoạn 1975 - 1978), mặc dù vẫn duy trì Tổng lãnh sự quán của mỗi nước tại Santigao và La Paz.

TTXVN/Báo Tin tức

Có thể bạn quan tâm